View Full Version : Công bố kết quả cuộc thi “Thơ Tình Mùa Đông” 2011
CÔNG BỐ KẾT QUẢ CUỘC THI ĐƯỜNG LUẬT
“THƠ TÌNH MÙA ĐÔNG” 2011
Các anh chị và các bạn thân mến,
Sau hơn 2 tháng tổ chức, cuộc thi đường luật “Thơ Tình Mùa Đông” đã nhận được 44 tác phẩm gởi dự thi của các thành viên diễn đàn. Tuy số lượng bài tham gia cuộc thi lần này không đạt số lượng như cuộc thi trước đó, nhưng đây cũng là một số lượng tác phẩm không nhỏ góp phần vào thành công của cuộc thi,. Vì, có lẽ chúng ta ai cũng biết Đường Luật là một thể thơ làm bình thường đã khó. Tham gia dự thi càng khó hơn. Để có được một tác phẩm hoàn hảo thời gian tiêu tốn của các thi sĩ của chúng ta có khi phải tính bằng ngày thậm chí là bằng tuần.
Với 44 tác phẩm dự thi, BGK chúng ta đã làm việc trong hơn 1 tháng để chọn ra những tác phẩm ưu tú cũng không phải là việc dễ dàng, nhất là thời gian chấm bài lại rơi vào thời điểm Tết. Với tất cả sự nhiệt tình, công tâm của BGK, sau khi áp dụng nguyên tắc “tác giả có nhiều bài được giải thì chỉ chọn bài có giải cao nhất” cuộc thi của chúng ta đã có kết quả chung cuộc như sau:
1. Giải nhất:MĐ-25 – NGƯỜI ĐÀN BÀ MAY ÁO MÙA ĐÔNG của Pigeon
NGƯỜI ĐÀN BÀ MAY ÁO MÙA ĐÔNG - Pigeon
Chiếc áo em may hẳn tặng chàng
Khi mùa giấu nắng cõng mù sang
Tơ hồng thấm nhớ này thoi quyện
Chỉ đỏ chan yêu đó sợi quàng
Đất khách sương mờ hoen mắt dõi
Quê nhà gió đậm trĩu tình mang
Cô phòng bóng đổ tàn canh vắng
Để hạt tương tư nặng mấy tràng
2. Giải nhì: MĐ-16 – ĐÔNG SẦU của Thu Phong
ĐÔNG SẦU – Thu Phong
Trời gọi đông về lạnh giá thêm
Bao nhiêu kỷ niệm xốn xang tìm
Này sông gió rũ ngàn lau úa
Nọ phố mưa vùi một bóng im
Nắng ẩn vào mây hoa nắng lạc
Trăng lui tới biển mặt trăng chìm
Mình ôm đóa mộng ngày xưa ấy
Chẳng gợi mà sầu nặng trĩu tim.
3. Giải ba: MĐ-15 – CHỚM ĐÔNG của Minh Đức
CHỚM ĐÔNG – Minh Đức
Nắng đã phai rồi...! Đông tới chưa?
Bàn tay run khẽ, lạnh giao mùa
Hàng cây lá rụng đìu hiu gió
Dãy phố ai về lất phất mưa
Khẽ rọi tầng mây tia nắng cũ
Buồn vương mái ngói hạt sương thừa
Mơ màng non nước bình yên nhỉ
Chẳng biết đông này có giống xưa
4. Giải khuyến khích: MĐ-36 – CẢM ĐÔNG TÂY NGYÊN của Doantue & MĐ-41 – ĐÔNG VÔ VỌNG của CM4Q
CẢM ĐÔNG TÂY NGUYÊN – Doantue
Ta nghe tiết lạnh thấm về buôn
Xứ núi Tây Nguyên lạnh lẽo buồn
Cá nước rùn vây chờ nắng nhạt
Chim trời dúm cánh gạt mưa suông
La đà khói rũ che tầm mắt
Lửng thửng trăng chìm khóc đáy sông
Cảm tác trầm tư đông tịch lắng
Không gian bất tận vọng hồi chuông
ĐÔNG VÔ VỌNG – CM4Q
Đông sầu lả gót lặng thầm tôi
Vỡ giấc Nam Kha mộng chẳng hồi
Mặc tuyết rơi đầy trơn ngõ hẹp
Nghe tình chất nặng buốt hồn côi
Thơ cời đốm lửa niềm tây trút
ý động buồng tim bản ngã trồi
Ngỡ phút tao phùng trong cõi thực
Mi hồng chợt úa nhạt nhòa môi
PL xin thay mặt BTC cảm ơn BGK và chúc mừng các tác giả có bài đạt giải.
BTC cảm ơn các thành viên đã tham gia gởi bài cho cuộc thi. BTC hy vọng rằng, cuộc thi đã tạo nguồn thi hứng và là cơ hội trau dồi bút pháp cho các thành viên của diễn đàn. BTC cũng hy vọng các thành viên chưa đạt giải trong cuộc thi này sẽ có được những kinh nghiệm quý báu chi những cuộc thi sau.
Giải thưởng của cuộc thi này sẽ được trao vào dịp sinh nhật diễn đàn dự định diễn ra vào tháng 4/2012. Sau ngày trao giải, với các tác giả ở xa không thể có mặt để nhận giải, BTC sẽ gởi giải thưởng qua Bưu điện.
Một lần nữa, PL xin thay mặt BTC cảm ơn sự đóng góp của các thành viên cho cuộc thi, đặc biệt cảm ơn BGK dù bận rộn cũng đã đảm bảo tiến độ chấm thi.
Nhân dịp năm mới, BTC xin kính chúc các thành viên cùng gia đình một năm mới An Khang Thịnh Vượng, Vạn Sự Như ý và mong rằng các thành viên luôn đồng hành cùng diễn đàn trong các hoạt động, nhằm xây dựng diễn đàn chúng ta ngày càng trở thành một sân chơi đáng ghé mỗi khi rảnh rỗi hiếm hoi trong cuộc sống tất bật này!
Trân trọng,
BTC
Cá chuồn
02-02-12, 10:28 AM
Xin chúc mừng các tác giả đoạt giải, BGK và BTC cuộc thi.
tra sua
02-02-12, 10:34 AM
Chúc mừng các thí sinh đoạt giải...:congratulate::congratulate:
pumanew
02-02-12, 10:34 AM
Xin cám ơn và chúc mừng Ban Tổ Chức, Ban Giám Khảo cùng các tác giả đoạt giải cuộc thi!
VỀ MIỀN TRUNG
02-02-12, 10:56 AM
Chúc mừng các thành viên đạt giải nhé :handshake: :congratulate:
Thu Phong
02-02-12, 11:19 AM
.
Hì... Xin cám ơn BTC, BGK.
Chúc mừng cuộc thi thơ đã thành công tốt đẹp
http://www.hoashop.net/img/p/119-171-large.jpg
.
Hì... Xin cám ơn BTC, BGK.
Chúc mừng cuộc thi thơ đã thành công tốt đẹp
http://www.hoashop.net/img/p/119-171-large.jpg
Chúc mừng chị TP nhé! :smells::smells:
Thu Phong
02-02-12, 11:27 AM
.
Chúc mừng chị TP nhé! :smells::smells:
Cám ơn em.
:luoi:
Nắng Xuân
02-02-12, 11:56 AM
Cám ơn Ban Tổ chức và chúc mừng các tác giả đoạt giải.
NX xin phép đăng phần nhận xét đánh giá của mình ra ngoài này. Các bạn có thể đọc tham khảo. Tất nhiên, quan điểm cá nhân không có gì là hoàn thiện, nhưng cũng mong các bạn cùng NX tiến bộ thêm lên qua mỗi lần trao đổi với nhau.
Trận trọng.
Nắng Xuân
02-02-12, 12:03 PM
NHẬN XÉT VÀ ĐÁNH GIÁ CỦA NẮNG XUÂN
1) MĐ-13: ĐÔNG
Đã thoáng đông về nghịch áo bay
Pha màu nắng nhạt vẽ sương dày
Đường ôm lấy phố đìu hiu ngủ
Liễu nép vào tường xao xác lay
Giấu mỏ chờ thu im nhạn đó
Vùi yêu đợi kẻ lặng thơ này
Âm thầm lạnh mới tràn khăn cũ
Sợi khói nào luồn cho mắt cay.
NHẬN XÉT CỦA NẮNG XUÂN:
- Cái lạnh của thời tiết đầu đông hình như càng khắc sâu thêm nỗi lạnh lòng của đôi lứa nhớ thương nhau.
- Ý thơ hay, giàu hình tượng, mượn cảnh tả tình khá tinh tế. Hai thực và 2 câu kết có thể coi như những tuyệt tác.
- Hai câu mở cũng rất khá dù còn lỗi thanh.
- Hai câu LUẬN chưa đạt so với toàn bài. Nhạn, chờ thu chưa hợp logic.
- Các cặp đối mỏ/ yêu; thu/ kẻ và nhạn/ thơ chưa thật cân, nhất là xét về quan hệ từ trong câu.
- Câu kết 7 rất hay.
2) MĐ-14 : BỨC TRANH MÙA ĐÔNG
Phố đã quàng khăn đứng gọi mùa
Cây bàng cuối nẻo nhánh gầy khua
Mưa từ hạ trước còn dây nghịch
Gió tận thu nao vẫn sót đùa
Gác vắng chiều lên mờ khói vẩn
Thềm hoang tối đến đẫm sương lùa
Bên rèm thiếu phụ ngồi đan áo
Đứt sợi len tình chưa chỗ mua...
NHẬN XÉT CỦA NẮNG XUÂN:
- Tác giả mượn Đề tài “Đan áo cho chồng” xưa để diễn tả tâm trạng nhớ nhung, chờ đợi của người nay. Từ ngữ biểu cảm giàu hình tượng được sử dụng khá khéo léo, tinh tế, kết hợp thủ pháp nhân hóa gây ấn tượng sâu sắc tới người đọc.
- Hai cụm “Mưa từ hạ trước”>< “Gió tự thu nao” rất đắt.
- Tựa đề đặt cũng rất thú vị, tuy có vẻ chưa thật hợp với tâm trạng của bài thơ rất buồn. Bức tranh này của tác giả gần như nặng nội tâm hơn là sắc màu. Theo NX chọn đề “CẢNH ĐÔNG” có lẽ hợp lý hơn. Bố cục thực–luận hơi lẫn lộn vị trí. Chưa chỉnh đối: tính từ “vẩn” >< “lùa” (động từ). Tuy nhiên, nếu xét thật kỹ vẫn có thể chấp nhận vì thực tế cụm “Khói vẩn”><“Sương lùa” là cụm trạng ngữ trong câu để bổ nghĩa cho “mờ” và “đẫm”. Nếu t/g dùng “khói tỏa”, không ngại cũ mòn thì bài này ko bị ai bắt bẻ về đối. Tiếc quá!
- Nên tránh việc dùng 6 danh từ liên tiếp đứng đầu câu (phố, cây bàng, mưa, gió, gác, thềm), nhưng từ kế tiếp đã thay đổi từ loại nên đỡ phần nào.
3) MĐ-15: CHỚM ĐÔNG
Nắng đã phai rồi...! Đông tới chưa?
Bàn tay run khẽ, lạnh giao mùa
Hàng cây lá rụng đìu hiu gió
Dãy phố ai về lất phất mưa
Khẽ rọi tầng mây tia nắng cũ
Buồn vương mái ngói hạt sương thừa
Mơ màng non nước bình yên nhỉ
Chẳng biết đông này có giống xưa
NHẬN XÉT CỦA NẮNG XUÂN:
- Tác giả khéo vận dụng vốn từ ngữ giàu hình tượng và phép ẩn dụ sắc sảo, luật, đối chỉnh chu.
- NX rất thích cách tác giả dùng câu hỏi tu từ ở câu đầu; nghệ thuật đảo ngữ ở hai câu luận cũng làm nên nét nhấn giàu chất thơ.
- Câu 7 kết bị hỏng vì “Non nước bình yên” bị nhận định trong tâm trạng hoài nghi. Chữ “mơ màng” đã làm hỏng bài thơ lẽ ra có nhiều chất thơ. Mặc dù tính lỗi ở một câu thơ thì rất nhẹ, nhưng vì câu đó ảnh hưởng đến chủ đề tư tưởng của toàn bài nên đành phải trừ điểm nhiều. Thật tiếc! Lẽ ra bài này nên được đánh giá cao hơn.
4) MĐ-16 : ĐÔNG SẦU
Trời gọi đông về lạnh giá thêm
Bao nhiêu kỷ niệm xốn xang tìm
Này sông gió rũ ngàn lau úa
Nọ phố mưa vùi một bóng im
Nắng ẩn vào mây hoa nắng lạc
Trăng lui tới biển mặt trăng chìm
Mình ôm đóa mộng ngày xưa ấy
Chẳng gợi mà sầu nặng trĩu tim.
NHẬN XÉT CỦA NẮNG XUÂN:
- Bài viết rất khá; vốn từ ngữ mà t/g sử dụng giàu hình tượng. Cảnh thấm vào tình, dẫn dắt người đọc từ ngoài vào trong, từ thiên nhiên đến lòng người. Hai cặp đối tốt, luật chỉnh. Hai câu luận kín ý.
- Vần đầu thông vận hơi làm giảm đôi chút giá trị của bài thơ, nhưng không đáng kể do sự phối thanh rất khéo. Không hiểu sao NX lại thích chữ “thêm” thông vận này. Có thể đó chính là cái duyên thơ.
- Sử dụng nghệ thuật điệp vận tạo nên điểm nhấn cho bài thơ.
- Cần tránh việc sử dụng 4 mệnh đề bổ ngữ trong 2 cặp thực luận (dù từ cuối hơi khác về từ loại), nhưng ngữ cảnh chọn lọc khá đắt..
- Câu kết cuối bị “Chẳng gợi” làm mất giá trị chung. Thực ra cảnh đông sầu đã “gợi” đến sự lạnh lẽo, cô đơn.. Chữ “sầu” ở câu này bị lộ, ko cần thiết phải nói đến thì người đọc cũng cảm được tâm trạng bài thơ rồi. “Khắc khoải âm thầm, nặng trĩu tim” có lẽ là 1 ví dụ trong nhiều cách giải quyết khác hiệu quả hơn, theo NX nghĩ.
5) MĐ-17: ĐỢI NGƯỜI XA
Bên đường cội sữa đã tàn hoa
Mèo lén tìm chăn ngủ góc nhà
Bến Bạc âu sầu sương trắng dãi
Sông Hồng nhàn nhạt nắng vàng pha
Anh đi mỗi dặm lòng tan nát
Em ngóng từng đêm lệ nhạt nhòa
Có lẽ năm nay trời lạnh sớm
Hong giường, ủ chiếu đợi người xa
05/11/2011
NHẬN XÉT CỦA NẮNG XUÂN:
Tác giả khéo léo liên kết sự miêu tả cảnh vật từ gần đến xa (dù 2 câu mở chưa hẳn theo logic ấy), từ thiên nhiên đến lòng người. …Đặc biệt không hề nhắc đến mùa đông, nhưng người đọc vẫn liên tưởng đến đông về.
Chú mèo đưa vào thơ chưa thấy tác dụng tốt thì lại bộc lộ tính thiếu logic vì “lén tìm chăn” tức là chăn của chủ nhà chứ ko phải chăn của mèo. Chăn của mèo mới để góc nhà, chăn của chủ thì để trong tủ hoặc trên giường và mèo không có khả năng tha cái chăn lại góc nhà để ngủ. Cũng có nghĩ, cái giường kê ở góc nhà nên ngủ góc giường cũng là góc nhà... Tùy ý t/g thôi, NX chỉ nói quan điểm riêng khi chấm bài...
- Chọn “Bến Bạc”><”Sông Hồng” rất khéo vì ngoài việc chọn địa danh ở Hà Nội, bạc và hồng còn đối cả về ý nghĩa màu sắc.
Hai câu thực chưa thật sự chỉunh đối, “Âu sầu” là tậm trạng của bến, còn “nhàn nhạt” là thực trạng của nắng.
- Tiếc nuối lớn nhất ở câu 7 là đặt ngữ cảnh “Có lẽ” vào chưa khéo bởi chính những nội dung ở trên đã diễn tả đến trời lạnh rồi, còn chi mà nghi hoặc nữa. Sữa tàn hoa => Cuối thu; Mèo lén tìm chăn => đã lạnh thật sự rồi; sương dãi, nắng nhạt đều là những cảnh đông hết. Mà đông đã về thì lạnh là tất nhiên, còn sớm hay muộn chi nữa.
- Nên tránh việc dùng 5 danh từ liên tiếp (mèo, bến Bạc, sông Hồng,anh, em) đứng đầu câu.
6) MĐ-21: KHẮC KHOẢI...
Lặng lẽ thu tàn chạm gót đông
Rồi mai bạn cũng bước theo chồng
Trăng hờn lãng đãng nằm ven phố
Lá rụng tơi bời dạt mé sông
Giã biệt tình xưa cùng pháo thắm
Từ ly bến cũ với đò hồng
Ai người bỏ lại hương mùa nhớ
Khắc khoải đêm này lắm kẻ trông
NHẬN XÉT CỦA NẮNG XUÂN:
• Bài thơ cho thấy nét mới, sáng tạo ở câu mở.
• Vận dụng tốt niêm luật, đối chỉnh, hoán đổi dấu thanh vần. Câu mở đề rất hay.
• Cặp luận bị bệnh nứa bổ và còn trùng ý cả câu thừa đề. Rất tiếc vì lỗi rất nặng này!
• Phối thanh còn chưa khéo, nên tránh sử dụng 3 từ vần trắc đều mang cùng dấu sắc ở cuối câu.
• “Đêm này lắm kẻ trông” không đạt vì chỉ có đêm này thôi sao? Tại sao không là “đêm ngày”? Hơn nữa“lắm” là nhiều, nhiều kẻ trông ngóng thì chỉ là thứ tình cảm bề ngoài, thoáng qua, không sâu sắc, chưa đủ độ chín để phải “khắc khoải” .
7) MĐ-23: GỞI CHÚT TÌNH
Chờ đông sao chẳng thấy đông sang
Trời vẫn trong xanh nắng vẫn vàng
Gốc rạ trơ trơ nhòm ruộng nẻ
Ngọn may hút hút xiết vườn quang
Ao xưa lặng lẽ lòng Yên Đổ
Nợ cũ eo sèo cửa Tú Xương
Thơ thả đôi vần khi hưỡn đãi
Chút tình xin gởi có ai mang
NHẬN XÉT CỦA NẮNG XUÂN:
• Khẩu khí của kẻ sĩ nghèo nhưng cao ngạo.
• Từ ngữ dùng quá cổ, không đại chúng.
• Phối thanh chưa tốt, nhất là các câu 1 và 4.
• Kết chưa sắc. Sáu câu sau chưa hợp với 2 câu đề, nhất là 2 câu thực. Chi tiết “ruộng nẻ” thực tế là của mùa đông, còn “ngọn may” là sự sót lại của mùa thu.
• “Yên Đổ” là tên làng hay danh xưng mà người đời gọi không đầy đủ (Tam nguyên Yên Đổ) của Nguyễn Khuyến, “Tú Xương” vừa chỉ tên thật và học vấn của Trần Tế Xương, nên nếu xét là đối cũng chỉ tá đối chứ chưa hoàn chỉnh.
• Đúng là t/g chỉ mới gởi “1 chút” tình thôi nên nghe bài thơ, người đọc có cảm giác nhàn nhạt, bởi cái tình chưa sâu sắc... Vẫn còn chờ đợi một thời khắc hay một nhân vật để tạo nhấn.
8) MĐ-24: NỖI NHỚ MÙA ĐÔNG
Khi trời tuyết đổ lạnh tràn song
Nỗi nhớ quê hương cháy bỏng lòng
Rượu rót cô ly nào đủ ấm
Thơ làm lẻ đoạn khó vơi mong
Đèn chờ mẹ thắp hoe nương cải
Gót đợi em bày thẫm lối rong
Gánh nợ kim tiền xô tứ hướng
Nhìn mây xám phủ lệ chia dòng
NHẬN XÉT CỦA NẮNG XUÂN:
• Tâm trạng tha hương càng thấy chạnh lòng hơn khi đông về.
• Câu thừa đề hơi quá lộ. “Nỗi nhớ miên man cháy bỏng lòng” sẽ kín kẽ hơn.
• Từ ngữ hơi cổ kính, thiếu nét đổi mới, sáng tạo; Kết rất hay nếu như không có cụm “kim tiền” và “tứ”.
• Nên tránh dùng 6 danh từ liên tiếp ở đầu câu (Nỗi nhớ, rượu, thơ, đèn, gót).
9) MĐ-25: NGƯỜI ĐÀN BÀ MAY ÁO MÙA ĐÔNG
Chiếc áo em may hẳn tặng chàng
Khi mùa giấu nắng cõng mù sang
Tơ hồng thấm nhớ này thoi quyện
Chỉ đỏ chan yêu đó sợi quàng
Đất khách sương mờ hoen mắt dõi
Quê nhà gió đậm trĩu tình mang
Cô phòng bóng đổ tàn canh vắng
Để hạt tương tư nặng mấy tràng …
NHẬN XÉT CỦA NẮNG XUÂN:
• Bài thơ khá ấn tượng với sự phối thanh nhuyễn, đối chuẩn và trình độ chắt lọc ngôn ngữ, lựa chọn ngữ cảnh rấr sâu sắc.
• Mượn tích xưa tả tình nay. Những chi tiết tinh tế như “Tơ hồng thấm nhớ”><”Chỉ đỏ chan yêu” thật sắc sảo, đắt giá (dù là hơi bị nứa bổ). Giá như dùng “Tình thoi quyện” >< “Nghĩa sợi quàng” sẽ đạt hơn và thoát hẳn bệnh nứa bổ.
• “Hoen mắt dõi” ><”Trĩu tình mang” cũng thật giàu tính biểu cảm.
• Chữ “hẳn” trong câu mở tăng tính khách quan nhưng cũng làm giảm hẳn giá trị của bài thơ vì nội dung 2 câu thực đã diễn tả rõ tâm trạng của chính người cô phụ chứ không phải là sự đồng cảm của khách thơ. Câu 2 là một trong số ít những câu thơ hay đương thời, dù có bị tiểu vận.
• Nên tránh cấu trúc 5 câu có nhóm từ cùng từ loại liên tục nằm ở cuối câu “mù sang/ thoi quyện/ sợi quàng/ mắt dõi/ canh vắng”.
• Câu kết khá hay.
10) MĐ-30: ĐÃ THẤY MÙA ĐÔNG
Chợt thấy mùa đông đến thật gần
Khi ngày gió lạnh phủ đầy sân
Bàng thay áo lá gầy xơ cội
Phố đội khăn mây lạnh xám tầng
Khắp nẻo màu quen chồn ánh mắt
Quanh đời dốc lạ mỏi bàn chân
Nắng chiều vội tắt ngoài song cửa
Vọng tiếng cô đơn gọi mấy lần
NHẬN XÉT CỦA NẮNG XUÂN:
• Mùa đông của lòng người cô đơn hòa cùng mùa đông lạnh lẽo của đất trời.
• Bài viết khá với thủ pháp mượn cảnh tả tình tinh vi, niêm luật chỉnh, phối thanh khá nhuyễn. Hai câu thực rất hay.
• Lỗi điệp vận (lạnh);, tránh dùng 1 loạt danh từ cuối câu (sân/ cội/ tầng/ ánh mắt/ bàn chân/ sân).
11) MĐ-36: CẢM ĐÔNG TÂY NGUYÊN
Ta nghe tiết lạnh thấm về buôn
Xứ núi Tây Nguyên lạnh lẽo buồn
Cá nước rùn vây chờ nắng nhạt
Chim trời dúm cánh gạt mưa suông
La đà khói rũ che tầm mắt
Lửng thửng trăng chìm khóc đáy sông
Cảm tác trầm tư đông tịch lắng
Không gian bất tận vọng hồi chuông!
NHẬN XÉT CỦA NẮNG XUÂN:
• Khung cảnh mùa đông ở Tây Nguyên mang nét đặc trưng khác biệt. Thiên nhiên, con người như chìm trong giấc ngủ đông để chờ đợi hồi chuông đánh thức mùa xuân. Đó là lý do tôi chọn bài này vô chung khảo.
• Phối thanh chưa khéo ở 2 câu kết. Lẽ ra dùng “vẳng” chính xác hơn “vọng” vì không gian tịch lắng chỉ nghe vẳng từ nơi nào xa xôi lại, chứ nếu có tiếng chuông ở gần thì đâu còn tịch lắng nữa.
• Chi tiết cá chùn vây chờ nắng mới đọc thấy có vẻ thiếu thực tế bởi mùa đông, nước thường ấm hơn trên bờ và chính là mùa cá chóng lớn và béo hơn hẳn các mùa khác. Nếu tác giả là nhà khoa học, có thể nghiên cứu đến chuỗi thức ăn tự nhiên thì cá chờ nắng lại rất khoa học vì nắng quang hợp => thực vật phù du sinh sôi => làm phong phú nguồn thức ăn thiên nhiên.
• Trăng khóc đáy sông cũng tương tự. Đặc biệt “khóc” có vẻ như thừa, đưa vào cho có đối, chưa rõ “khóc” với dụng ý gì. Thường thời tiết mùa đông âm u, trăng dẫu có cũng rất nhạt nên không đủ soi tới đáy cho dù nước trong đến đâu.
• Lỗi điệp từ (lạnh); lỗi chính tả “Lững thững”
12) MĐ-41: ĐÔNG VÔ VỌNG
Đông sầu lả gót lặng thầm tôi
Vỡ giấc Nam Kha mộng chẳng hồi
Mặc tuyết rơi đầy trơn ngõ hẹp
Nghe tình chất nặng buốt hồn côi
Thơ cời đốm lửa niềm tây trút
ý động buồng tim bản ngã trồi
Ngỡ phút tao phùng trong cõi thực
Mi hồng chợt úa nhạt nhòa môi
NHẬN XÉT CỦA NẮNG XUÂN:
• Giấc Nam Kha của tác giả không phải quyền cao chức trọng như tích xưa mà đơn giản chỉ là giấc mộng tình đã từ lâu mong mỏi.
• Niềm tây (niềm riêng) >< bản ngã (cái tôi) chưa thực sự chỉnh đối bởi “Niềm tây” có 1 từ Việt và 1 từ Hán-Việt. Niềm là danh từ chính. Chữ “Niềm tây” thật sự quá cổ và ít dùng. Trong khi “bản ngã” là 2 từ Hán-Việt và “ngã” là danh từ chính.
• MẶC diễn tả tâm trạng dửng dưng, phớt lờ, không thèm để ý nếu đối với NGHE cũng chưa hẳn hài lòng.
• Hình ảnh ĐỐM LỬA diễn tả đốm sáng hy vọng, lại đem dùng cho NIỀM TÂY (tâm sự riêng mà theo ngữ cảnh là tâm sự buồn) có vẻ chưa hợp lý.
• BẢN NGÃ TRỒI, tức là cái tôi trỗi dậy, sự tự ái tăng lên rõ ràng lạc ý với câu kết ngay sau đó “Ngỡ phút tao phùng trong cõi thực” đầy mong mỏi.
• Câu mở đề quá hay, nhưng câu kết MI HỒNG nghe thế nào ấy.
VỀ MIỀN TRUNG
02-02-12, 12:30 PM
NHẬN XÉT NHỮNG BÀI VÀO CHUNG KẾT CỦA VMT
MĐ-13
ĐÔNG
Đã thoáng đông về nghịch áo bay
Pha màu nắng nhạt vẽ sương dày
Đường ôm lấy phố đìu hiu ngủ
Liễu nép vào tường xao xác lay
Giấu mỏ chờ thu im nhạn đó
Vùi yêu đợi kẻ lặng thơ này
Âm thầm lạnh mới tràn khăn cũ
Sợi khói nào luồn cho mắt cay
• Tác giả tạc nên bức tranh buổi chớm đông với chút nắng nhạt, chút gió lạnh đầu mùa trên làn áo. Cảnh vật co mình trước thời gian trông đìu hiu, xao xác. Chi tiết cái lạnh đầu đông len vào trong tấm khăn cũ rất đời thường mà cũng rất thơ.
• Ý thơ đẹp, hồn thơ hay. Có sống chung với mùa đông mới có những cảm nhận tinh tế như thế.
• Hạn chế: Còn lỗi Phong Yêu ở câu 2, Tiểu Vận ở câu 5. Về ý, nhạn giấu mỏ chờ thu chưa hợp lắm. Chữ “kẻ” chỉ mới tá đối với “thu”…
MĐ-14
BỨC TRANH MÙA ĐÔNG
Phố đã quàng khăn đứng gọi mùa
Cây bàng cuối nẻo nhánh gầy khua
Mưa từ hạ trước còn dây nghịch
Gió tận thu nao vẫn sót đùa
Gác vắng chiều lên mờ khói vẩn
Thềm hoang tối đến đẫm sương lùa
Bên rèm thiếu phụ ngồi đan áo
Đứt sợi len tình chưa chỗ mua..
* Bức tranh đầy đủ với phố: cây bàng khẳng khiu, khói mờ gác nhỏ.
Khai thác đề tài “mùa đông đan áo cho chồng” dưới một góc nhìn mới
Hạn chế: Chưa chỉnh đối : “khói vẩn” >< “sương lùa”
MĐ-15
CHỚM ĐÔNG
Nắng đã phai rồi...! Đông tới chưa?
Bàn tay run khẽ, lạnh giao mùa
Hàng cây lá rụng đìu hiu gió
Dãy phố ai về lất phất mưa
Khẽ rọi tầng mây tia nắng cũ
Buồn vương mái ngói hạt sương thừa
Mơ màng non nước bình yên nhỉ
Chẳng biết đông này có giống xưa
• Tác giả vận dụng niêm luật khá tốt. Cặp đối đạt xét theo từng cặp.
• Hạn chế: Các cặp đối sa vào tả cảnh: gió, mưa, nắng, sương…Sự ôm đồm thái quá này nghiêng về màu sắc cho buổi chớm đông chứ chưa tạo điểm nhấn về cảm xúc. Kết bài trong tâm trạng hoài nghi, yếu đuối, bài thơ bị hụt dần.
MĐ-16
ĐÔNG SẦU
Trời gọi đông về lạnh giá thêm
Bao nhiêu kỷ niệm xốn xang tìm
Này sông gió rũ ngàn lau úa
Nọ phố mưa vùi một bóng im
Nắng ẩn vào mây hoa nắng lạc
Trăng lui tới biển mặt trăng chìm
Mình ôm đóa mộng ngày xưa ấy
Chẳng gợi mà sầu nặng trĩu tim
• Một chút thay đổi vần đưa bài thơ vào thể Cô Nhạn Hợp Quần. Nếu tác giả tinh ý hơn mà đặt vận thông ở cuối bài thay cho đầu bài thì hợp hơn với tâm trạng.
MĐ-17
ĐỢI NGƯỜI XA
Bên đường cội sữa đã tàn hoa
Mèo lén tìm chăn ngủ góc nhà
Bến Bạc âu sầu sương trắng dãi
Sông Hồng nhàn nhạt nắng vàng pha
Anh đi mỗi dặm lòng tan nát
Em ngóng từng đêm lệ nhạt nhòa
Có lẽ năm nay trời lạnh sớm
Hong giường, ủ chiếu đợi người xa
05/11/2011
• Mùa Đông về từ những gốc cây đến thú vật trong nhà, trải rộng ra không gian xa…
• “lòng tan nát >< lệ nhạt nhòa” cũng chỉ dừng ở mức tá đối
• Kết hay và nhân bản
MĐ-21
KHẮC KHOẢI...
Lặng lẽ thu tàn chạm gót đông
Rồi mai bạn cũng bước theo chồng
Trăng hờn lãng đãng nằm ven phố
Lá rụng tơi bời dạt mé sông
Giã biệt tình xưa cùng pháo thắm
Từ ly bến cũ với đò hồng
Ai người bỏ lại hương mùa nhớ
Khắc khoải đêm này lắm kẻ trông
• Vận dụng tốt niêm luật, đối chỉnh
• Cách diễn đạt ở câu dẫn đề tính thơ chưa cao. Đọc đi đọc lại, VMT cảm giác như tác giả đang trêu ai đó đi lấy chồng với kiểu “có kẻ theo chồng bỏ cuộc chơi”. Không hiểu sao tôi vẫn chưa “khắc khoải” lắm.
MĐ-23
GỞI CHÚT TÌNH
Chờ đông sao chẳng thấy đông sang
Trời vẫn trong xanh nắng vẫn vàng
Gốc rạ trơ trơ nhòm ruộng nẻ
Ngọn may hút hút xiết vườn quang
Ao xưa lặng lẽ lòng Yên Đổ
Nợ cũ eo sèo cửa Tú Xương
Thơ thả đôi vần khi hưỡn đãi
Chút tình xin gởi có ai mang
• Một chút hoài niệm khi đông sang, cảnh vật dựng lên như ngầm so sánh với bức tranh thủy mặc năm nào. Chút nuối tiếc về tiền nhân. Sử dụng lại một số từ cũng như khẩu khí cũ.
• Phối thanh chưa tốt, còn lỗi Phong Yêu
MĐ-24
NỖI NHỚ MÙA ĐÔNG
Khi trời tuyết đổ lạnh tràn song
Nỗi nhớ quê hương cháy bỏng lòng
Rượu rót cô ly nào đủ ấm
Thơ làm lẻ đoạn khó vơi mong
Đèn chờ mẹ thắp hoe nương cải
Gót đợi em bày thẫm lối rong
Gánh nợ kim tiền xô tứ hướng
Nhìn mây xám phủ lệ chia dòng
• Bức tranh mùa đông nơi đất khách quê người, tấm lòng tác giả quay về nơi đất mẹ.
• Quá tập trung tả tình nên chỉ gói gọn mùa đông bằng “tuyết lạnh” và “mây xám”. Thủ pháp đối “cô ly / lẻ đoạn” còn vụng; “đủ ấm / vơi mong” chưa cân.
MĐ-25
NGƯỜI ĐÀN BÀ MAY ÁO MÙA ĐÔNG
Chiếc áo em may hẳn tặng chàng
Khi mùa giấu nắng cõng mù sang
Tơ hồng thấm nhớ này thoi quyện
Chỉ đỏ chan yêu đó sợi quàng
Đất khách sương mờ hoen mắt dõi
Quê nhà gió đậm trĩu tình mang
Cô phòng bóng đổ tàn canh vắng
Để hạt tương tư nặng mấy tràng …
* Motuyp “may áo cho chàng” được sử dụng trong không gian và thời gian giao thời.
Vận dụng niêm luật tốt, đối đạt
Phối thanh nhẹ nhàng, uyển chuyển
Hạn chế: Chữ thứ ba ở câu 1 làm cho người đọc không phân biệt là lời tự sự của tác giả hay ý nghi ngờ của khách chứng kiến.
MĐ-30
ĐÃ THẤY MÙA ĐÔNG
Chợt thấy mùa đông đến thật gần
Khi ngày gió lạnh phủ đầy sân
Bàng thay áo lá gầy xơ cội
Phố đội khăn mây lạnh xám tầng
Khắp nẻo màu quen chồn ánh mắt
Quanh đời dốc lạ mỏi bàn chân
Nắng chiều vội tắt ngoài song cửa
Vọng tiếng cô đơn gọi mấy lần
* Niêm luật đúng, đối đạt
Thủ pháp dụng từ chuyên nghiệp
Bài còn lỗi Tiểu Vận; lỗi Điệp Từ không chủ đích “gió lạnh, mây lạnh”.
MĐ-36
CẢM ĐÔNG TÂY NGUYÊN
Ta nghe tiết lạnh thấm về buôn
Xứ núi Tây Nguyên lạnh lẽo buồn
Cá nước rùn vây chờ nắng nhạt
Chim trời dúm cánh gạt mưa suông
La đà khói rũ che tầm mắt
Lửng thửng trăng chìm khóc đáy sông
Cảm tác trầm tư đông tịch lắng
Không gian bất tận vọng hồi chuông!
• Niêm luật tốt, đối đạt. Đông về trên cao nguyên cũng khác hẳn.
• Hạn chế: Bài phối thanh chưa nhuyễn. Cảnh vật đi vào chổ bị động: cá rùn vây, chim dúm cánh, khói rũ, trăng chìm…..thiếu sức sống
MĐ-41
ĐÔNG VÔ VỌNG
Đông sầu lả gót lặng thầm tôi
Vỡ giấc Nam Kha mộng chẳng hồi
Mặc tuyết rơi đầy trơn ngõ hẹp
Nghe tình chất nặng buốt hồn côi
Thơ cời đốm lửa niềm tây trút
Ý động buồng tim bản ngã trồi
Ngỡ phút tao phùng trong cõi thực
Mi hồng chợt úa nhạt nhòa môi
* Khi tỉnh giấc mộng, chẳng nhận ra mình, chẳng nhận ra mùa. Hồn thơ đau đớn bật lên. Cảnh đông chưa đủ sắc nhưng tình đông đã đậm màu.
Kết câu chưa nhuyễn
Quân Tấn
02-02-12, 12:59 PM
1) MĐ-13: ĐÔNG
Đã thoáng đông về nghịch áo bay
Pha màu nắng nhạt vẽ sương dày
Đường ôm lấy phố đìu hiu ngủ
Liễu nép vào tường xao xác lay
Giấu mỏ chờ thu im nhạn đó
Vùi yêu đợi kẻ lặng thơ này
Âm thầm lạnh mới tràn khăn cũ
Sợi khói nào luồn cho mắt cay.
Nhận xét của Quân Tấn:
Bài thơ phác họa được khung cảnh mùa đông với những: sương dày, phố đìu hiu ngủ, tường xao xác lay… Nhưng tôi thích nhất từ “nghịch” ở câu khởi đề. Nó phá vỡ những liên tưởng thường gặp khi miêu tả mùa đông: buồn, cô đơn… Như là một đốm lửa vùi trong băng tuyết. Vì thế nhạn im là để “chờ”; thơ lặng là để “đợi”. Không phải sự chờ đợi mỏi mòn vô vọng…
“Âm thầm lạnh mới tràn khăn cũ” hoàn toàn đủ hay để có thể đứng độc lập mình.
2) MĐ-14 : BỨC TRANH MÙA ĐÔNG
Phố đã quàng khăn đứng gọi mùa
Cây bàng cuối nẻo nhánh gầy khua
Mưa từ hạ trước còn dây nghịch
Gió tận thu nao vẫn sót đùa
Gác vắng chiều lên mờ khói vẩn
Thềm hoang tối đến đẫm sương lùa
Bên rèm thiếu phụ ngồi đan áo
Đứt sợi len tình chưa chỗ mua...
Nhận xét của Quân Tấn:
Bài thơ khá tròn trịa. Bức tranh mùa đông tương đối đủ sắc màu: Phố, cây bàng, mưa, gió, thềm hoang… Hình ảnh người thiếu phụ đan áo không mới nhưng điểm xuyến cho bức tranh mùa đông lặng lẽ một tia nhân khí. “Đứt sợi len tình chưa chỗ mua” là một nét lạ.
3) MĐ-15: CHỚM ĐÔNG
Nắng đã phai rồi...! Đông tới chưa?
Bàn tay run khẽ, lạnh giao mùa
Hàng cây lá rụng đìu hiu gió
Dãy phố ai về lất phất mưa
Khẽ rọi tầng mây tia nắng cũ
Buồn vương mái ngói hạt sương thừa
Mơ màng non nước bình yên nhỉ
Chẳng biết đông này có giống xưa
Nhận xét của Quân Tấn:
Bài thơ tròn trịa, đối chỉnh chu nhưng thi tứ khá nhạt. Thủ pháp nghệ thuật thì đạt nhưng cảm xúc thì nông. Hai câu kết làm hỏng mất bài thơ.
4) MĐ-16 : ĐÔNG SẦU
Trời gọi đông về lạnh giá thêm
Bao nhiêu kỷ niệm xốn xang tìm
Này sông gió rũ ngàn lau úa
Nọ phố mưa vùi một bóng im
Nắng ẩn vào mây hoa nắng lạc
Trăng lui tới biển mặt trăng chìm
Mình ôm đóa mộng ngày xưa ấy
Chẳng gợi mà sầu nặng trĩu tim.
Nhận xét của Quân Tấn:
”Trời gọi đông về lạnh giá thêm” Có nghĩa là trước đó đã lạnh rồi(!) Nỗi “sầu đông” này không đợi đến mùa đông mới có. Hai câu thực không nhiều sức gợi nhưng hai câu luận với hình ảnh: “hoa nắng lạc”; “mặt trăng chìm” lại hàm súc, cho ta nhiều liên tưởng.
5) MĐ-17: ĐỢI NGƯỜI XA
Bên đường cội sữa đã tàn hoa
Mèo lén tìm chăn ngủ góc nhà
Bến Bạc âu sầu sương trắng dãi
Sông Hồng nhàn nhạt nắng vàng pha
Anh đi mỗi dặm lòng tan nát
Em ngóng từng đêm lệ nhạt nhòa
Có lẽ năm nay trời lạnh sớm
Hong giường, ủ chiếu đợi người xa
Nhận xét của Quân Tấn:
Chờ đợi luôn là một cảnh giới tâm trạng dễ thành thơ.
Sáu câu thơ đầu vừa vừa. Hai câu kết hay hơn nhiều.
6) MĐ-21: KHẮC KHOẢI...
Lặng lẽ thu tàn chạm gót đông
Rồi mai bạn cũng bước theo chồng
Trăng hờn lãng đãng nằm ven phố
Lá rụng tơi bời dạt mé sông
Giã biệt tình xưa cùng pháo thắm
Từ ly bến cũ với đò hồng
Ai người bỏ lại hương mùa nhớ
Khắc khoải đêm này lắm kẻ trông
Nhận xét của Quân Tấn:
Lắm kẻ khắc khoải vì bạn bước theo chồng, nhiều quá nên khắc khoải cũng lễnh loãng đi.
Quá nhiều sáo từ: lãng đãng, tơi bời, pháo thắm, đò hồng… cũng làm cho khắc khoải không còn khắc khoải.
7) MĐ-23: GỞI CHÚT TÌNH
Chờ đông sao chẳng thấy đông sang
Trời vẫn trong xanh nắng vẫn vàng
Gốc rạ trơ trơ nhòm ruộng nẻ
Ngọn may hút hút xiết vườn quang
Ao xưa lặng lẽ lòng Yên Đổ
Nợ cũ eo sèo cửa Tú Xương
Thơ thả đôi vần khi hưỡn đãi
Chút tình xin gởi có ai mang
Nhận xét của Quân Tấn:
Đọc bài thơ này gặp nhiều người quen!
Thơ có khẩu khí (dù chỉ vay mượn) nhưng chút ngạo cốt ngụy tạo ấy lại bị bóc trần ở chữ “xin” của của câu kết: Chút tình “xin” gởi có ai mang.
8) MĐ-24: NỖI NHỚ MÙA ĐÔNG
Khi trời tuyết đổ lạnh tràn song
Nỗi nhớ quê hương cháy bỏng lòng
Rượu rót cô ly nào đủ ấm
Thơ làm lẻ đoạn khó vơi mong
Đèn chờ mẹ thắp hoe nương cải
Gót đợi em bày thẫm lối rong
Gánh nợ kim tiền xô tứ hướng
Nhìn mây xám phủ lệ chia dòng
Nhận xét của Quân Tấn:
Nỗi nhớ mùa đông thực ra chính là nỗi nhớ quê hương của người con tha phương cầu thực. Những cặp đối : cô ly/ lẻ đoạn còn vụng nhưng cái tình rất thực. Tiếc là câu kết buồn quá, không có lối thoát.
9) MĐ-25: NGƯỜI ĐÀN BÀ MAY ÁO MÙA ĐÔNG
Chiếc áo em may hẳn tặng chàng
Khi mùa giấu nắng cõng mù sang
Tơ hồng thấm nhớ này thoi quyện
Chỉ đỏ chan yêu đó sợi quàng
Đất khách sương mờ hoen mắt dõi
Quê nhà gió đậm trĩu tình mang
Cô phòng bóng đổ tàn canh vắng
Để hạt tương tư nặng mấy tràng …
Nhận xét của Quân Tấn:
Bài thơ hay, tròn trịa, các cặp đối khá tốt.
Cái tình mãnh liệt của người đàn bà được biểu hiện khá tinh tế
Từ “giấu” ở câu thừa đề đắc địa và tâm tư của người phụ nữ may áo đợi chờ gói trọn vào trong một chữ “giấu” này…
Tiếc là các sáo từ còn nhiều. Ở hai câu kết các sáo từ “cô phòng” “tương tư” làm lộ hết cả những điều muốn giấu. Nhưng lại không gợi được cho ta cảm giác cái tình cảm được chôn giấu đè nén kia nó đến hồi cao trào mạnh mẽ đến độ bung thoát ra không thể nào giấu được nữa…
10) MĐ-30: ĐÃ THẤY MÙA ĐÔNG
Chợt thấy mùa đông đến thật gần
Khi ngày gió lạnh phủ đầy sân
Bàng thay áo lá gầy xơ cội
Phố đội khăn mây lạnh xám tầng
Khắp nẻo màu quen chồn ánh mắt
Quanh đời dốc lạ mỏi bàn chân
Nắng chiều vội tắt ngoài song cửa
Vọng tiếng cô đơn gọi mấy lần
Nhận xét của Quân Tấn:
Bài thơ đọc thấy vừa vừa. Niêm luật đạt, đối cũng được, có chút lỗi điệp từ không cần thiết: gió lạnh, mây lạnh.
Định bỏ qua, cho điểm. Không ngờ hơi phân vân, đọc lại mấy lần chợt nhận ra bài thơ này có hai câu luận hay nhất trong số các bài dự thi. Sướng quá, cứ ngâm nga mãi. Cái triết lý ở cặp câu luận của bài thơ này, không phải người nhiều thăng trầm trong đời, khó tả được, cảm được, viết được như thế!
11) MĐ-36: CẢM ĐÔNG TÂY NGUYÊN
Ta nghe tiết lạnh thấm về buôn
Xứ núi Tây Nguyên lạnh lẽo buồn
Cá nước rùn vây chờ nắng nhạt
Chim trời dúm cánh gạt mưa suông
La đà khói rũ che tầm mắt
Lửng thửng trăng chìm khóc đáy sông
Cảm tác trầm tư đông tịch lắng
Không gian bất tận vọng hồi chuông!
Nhận xét của Quân Tấn:
Bài thơ này có chút đặc trưng riêng của một vùng đất. Nhưng tác giả chưa khai thác và thể hiện được tốt khung cảnh mùa đông của vùng đất này qua ngôn ngữ thơ.
Có nét Tây Nguyên nhưng thiếu hẳn cái thần, cái trầm hùng huyền bí của Tây Nguyên
12) MĐ-41: ĐÔNG VÔ VỌNG
Đông sầu lả gót lặng thầm tôi
Vỡ giấc Nam Kha mộng chẳng hồi
Mặc tuyết rơi đầy trơn ngõ hẹp
Nghe tình chất nặng buốt hồn côi
Thơ cời đốm lửa niềm tây trút
ý động buồng tim bản ngã trồi
Ngỡ phút tao phùng trong cõi thực
Mi hồng chợt úa nhạt nhòa môi
Nhận xét của Quân Tấn:
Mộng hay là thực? Rõ ràng tác giả biết mình đang mộng. Nhưng lòng vẫn mong nó là thực! Thà sống trong mộng còn hơn ngỡ là cõi thực. Người si nói mộng. Có thể lừa được người cũng không thể lừa được mình. Đau đớn thay! Và thế là thơ đã bật ra. Tiếng thơ hay tiếng lòng? Là thực hay là mộng đây? Tiếng lòng đau đáu đấy nhưng tiếng thơ chưa tròn...
Nhím con
02-02-12, 02:16 PM
Chúc mừng các anh chị đã đạt giải trong cuộc thi lần này !... :hi: :handshake:
Xin cảm ơn BTC và BGK !... :congratulate:
Minh Đức
02-02-12, 04:08 PM
Minh Đức cảm thấy rất vinh dự và may mắn khi mình có một tác phẩm đoạt giải.
Xin cảm ơn BTC, BGK đã cho Minh Đức có được vinh dự này. Xin cảm ơn mọi người đã chia vui cùng Minh Đức và những người đoạt giải.
Xin chân thành cảm ơn những lời nhận xét quý báu của BGK và đặc biệt cảm ơn thầy Nắng Xuân và thầy VỀ MIỀN TRUNG. Nhờ có thời gian theo học với các thầy mà em mới có thể có được những bước ban đầu để tìm hiểu và làm được thể thơ Đường luật (dù còn non kém), mà quan trọng hơn nữa đó là những bài học cuộc sống.
Kính chúc mọi người một năm mới thật nhiều niềm vui, sức khỏe và thành công. Chân thành cảm ơn vì tất cả!
Minh Đức cảm thấy rất vinh dự và may mắn khi mình có một tác phẩm đoạt giải.
Xin cảm ơn BTC, BGK đã cho Minh Đức có được vinh dự này. Xin cảm ơn mọi người đã chia vui cùng Minh Đức và những người đoạt giải.
Xin chân thành cảm ơn những lời nhận xét quý báu của BGK và đặc biệt cảm ơn thầy Nắng Xuân và thầy VỀ MIỀN TRUNG. Nhờ có thời gian theo học với các thầy mà em mới có thể có được những bước ban đầu để tìm hiểu và làm được thể thơ Đường luật (dù còn non kém), mà quan trọng hơn nữa đó là những bài học cuộc sống.
Kính chúc mọi người một năm mới thật nhiều niềm vui, sức khỏe và thành công. Chân thành cảm ơn vì tất cả!
Chúc mừng MĐ nhé!
Lan Hương
02-02-12, 04:57 PM
Chúc mừng các thi hữu đã đạt giải trong cuộc thi lần này !...
Thơ có con đường đi riêng của nó nhiều khi không thể đoán trước được. LH có gửi vài bài thơ dự thi, có bài làm vội trong lúc vừa onl nên khi cô PL post lên mới thấy sai niêm luật phải nhờ sửa lại. Có bài viết sau 1 lần ... cãi nhau tưng bừng nhưng lại lọt vào vòng trong. LH cũng thấy có bài, có chữ mình ráng trau chuốt cho đúng niêm luật và không mắc thi bệnh thì lại thành ra sáo ngữ, thiếu tình cảm
Tất nhiên thơ hay cũng có những tiêu chí chung. Trước đó, khi xem các bài dự thi LH có làm 1 thử nghiệm nhỏ, bài nào thấy hay thì nhấn thank. Xem ra cũng khá trùng hợp với ý của BGK.
Cảm ơn BGK đã dày công nhận xét từng bài thơ. Nhưng có lẽ đối với thơ cũng chẳng nên mổ xẻ quá kỹ. Có những tiểu tiết đúng với người này, vùng miền này mà lại sai với ng khác, vùng miền khác. Và có những ý chỉ người trong cuộc mới hiểu tại sao tác giả lại hạ 1 chữ như vậy
Đây là những ý kiến chân tình của LH, nếu có sai sót mong BGK và các thi hữu thông cảm bỏ qua cho
Chúc mừng các Anh Chị đoạt giải :handshake:
Lần này 4Q như mèo mù vớ phải cái ... đuôi cá rán ..... hiiii Viết lung tung thế mà được KK .Lạ thiệt :D
Cám ơn BTC đồng cảm ơn BGK
Nếu có thư pháp cho 4 đăng ký ( sưu tầm mai mốt lập " CM QUán " hiii .Khi nào có chuyển về nhà Mẹ 4 dùm nghen )
Còn hiện kim thì chuyển vào quỳ từ thiện của NV nha
Thanks All
Chúc mừng các Anh Chị đoạt giải :handshake:
Lần này 4Q như mèo mù vớ phải cái ... đuôi cá rán ..... hiiii Viết lung tung thế mà được KK .Lạ thiệt :D
Cám ơn BTC đồng cảm ơn BGK
Nếu có thư pháp cho 4 đăng ký ( sưu tầm mai mốt lập " CM QUán " hiii .Khi nào có chuyển về nhà Mẹ 4 dùm nghen )
Còn hiện kim thì chuyển vào quỳ từ thiện của NV nha
Thanks All
Chúc mừng 4 nhé!
PL sẽ chuyển giải vào quỹ và khi nào có tranh sẽ chuyển đến nhà Mẹ 4 nhé!
pumanew
02-02-12, 06:11 PM
Chúc mừng các thi hữu đã đạt giải trong cuộc thi lần này !...
Thơ có con đường đi riêng của nó nhiều khi không thể đoán trước được. LH có gửi vài bài thơ dự thi, có bài làm vội trong lúc vừa onl nên khi cô PL post lên mới thấy sai niêm luật phải nhờ sửa lại. Có bài viết sau 1 lần ... cãi nhau tưng bừng nhưng lại lọt vào vòng trong. LH cũng thấy có bài, có chữ mình ráng trau chuốt cho đúng niêm luật và không mắc thi bệnh thì lại thành ra sáo ngữ, thiếu tình cảm
Tất nhiên thơ hay cũng có những tiêu chí chung. Trước đó, khi xem các bài dự thi LH có làm 1 thử nghiệm nhỏ, bài nào thấy hay thì nhấn thank. Xem ra cũng khá trùng hợp với ý của BGK.
Cảm ơn BGK đã dày công nhận xét từng bài thơ. Nhưng có lẽ đối với thơ cũng chẳng nên mổ xẻ quá kỹ. Có những tiểu tiết đúng với người này, vùng miền này mà lại sai với ng khác, vùng miền khác. Và có những ý chỉ người trong cuộc mới hiểu tại sao tác giả lại hạ 1 chữ như vậy
Đây là những ý kiến chân tình của LH, nếu có sai sót mong BGK và các thi hữu thông cảm bỏ qua cho
Cám ơn Lan Hương đã đóng góp ý kiến để các thi hữu và BTC cũng như BGK có được nhiều kênh thông tin hơn. Tuy Pu không gửi bài dự thi nhưng theo Pu thì đây là một cuộc thi mà để đảm bảo công bằng thì BGK cũng đã cân nhắc rất kỹ lưỡng và cũng để sân chơi được minh bạch họ đã post các nhận xét của mình công khai - việc đó hoàn toàn chứng tỏ rằng BGK rất công tâm trong việc chấm giải - nên Pu rất ủng hộ việc đó.
Vẫn biết rằng "nhân thất thập toàn" và "trăm người trăm ý" với lại "làm dâu trăm họ" nên rất khó đạt được 100% ý kiến đồng thuận của cả người chấm lẫn thí sinh. Và cũng để chứng minh tại sao bài này hay hơn bài kia kiểu bó đũa chọn cột cờ thì chắc chắn người chấm phải nêu lên quan điểm của mình về bài thơ đó -kiểu như Lan Hương đã nhận xét - Nhưng có lẽ đối với thơ cũng chẳng nên mổ xẻ quá kỹ chứ không thì ai biết đó là đâu. Nhưng Pu cũng đã thấy Giám khảo Nắng Xuân post lời tựa rôi:
Cám ơn Ban Tổ chức và chúc mừng các tác giả đoạt giải.
NX xin phép đăng phần nhận xét đánh giá của mình ra ngoài này. Các bạn có thể đọc tham khảo. Tất nhiên, quan điểm cá nhân không có gì là hoàn thiện, nhưng cũng mong các bạn cùng NX tiến bộ thêm lên qua mỗi lần trao đổi với nhau.
Trân trọng.
Vài lời tựa đó đã đủ chứng tỏ sự nhiệt tình, lòng công tâm lẫn sự chấp nhận tiếp thu ý kiến của người khác của BGK rồi Lan Hương ạ!
Chúc Lan Hương vui!
Nắng Xuân
03-02-12, 10:02 AM
Tác giả Pigeon có tới 05 bài, chị Thu Phong có 02 bài vô Chung khảo và đều được đánh giá cao!
Khâm phục và đáng học hỏi. Đây cũng là niềm vui và niềm tự hào của Lớp học Thơ Đường Cổ Mộ.
Xin chúc mừng.
Thu Phong
03-02-12, 12:54 PM
.
Lần đầu tiên tham gia thi ở NV, cũng là bởi ham vui TP gửi 4 bài thì có 2 bài được BGK để mắt chọn vào chung khảo quả thực rất bất ngờ và vui. Đối với TP viết thơ đl rất khó, thể hiện được ý mình mà người đọc cũng cảm được k dễ dàng gì. Ngược lại đọc và cảm nhận đúng một bài thơ cũng k dễ.
TP xin giữ lại kỷ niệm đẹp này.
Một lần nữa cám ơn BTC và BGK đã để mắt tới thơ TP.
VỀ MIỀN TRUNG
03-02-12, 12:57 PM
Kính thưa toàn thể anh chị em
Cuộc thi đã nhận được nhiều bài dự thi. Tất nhiên phải khó khăn lắm mới chọn ra những bài hoàn thiện nhất, vừa hợp với quan điểm cá nhân vừa hợp với đại chúng. Các bài róc phách nên chúng tôi công tâm, khách quan nhận xét.
Bạn Lan Hương có thắc mắc về cặp đối mà tôi nhận xét là tá đối.
Anh đi mỗi dặm lòng tan nát
Em ngóng từng đêm lệ nhạt nhòa
Cái hay ở cặp đối này là không gian và thời gian trong câu thơ. "Anh đi mỗi dặm" chỉ không gian; "em ngóng từng đêm" chỉ thời gian. Chỗ này chắc không bàn tới nữa. Điều mà tôi muốn nói ở đây là "lòng tan nát" và "lệ nhạt nhòa". Nếu cho rằng anh lòng tan nát thì chấp nhận được về phép đối nhưng đây là tâm ý, tình cảm của người ở lại. Anh đi làm lòng em tan nát. Câu thơ hiện lên 2 chủ thể rõ rệt. Ở câu sau chỉ có một chủ thể là EM, người đàn bà cô đơn trong đêm đông. Tôi nói chỉ dừng ở mức tá đối là ở điểm này.
Đôi lời giải thích thêm, vẫn là ý kiến chủ quan của tôi. Nếu Lan Hương và các bạn không đồng ý thì cứ coi như VMT đã sai sót vậy.
Mọi người vui vẻ nhé !
Lan Hương
03-02-12, 05:07 PM
Thì ra là vậy. VMT chỉ nhận xét vắn tắt (“lòng tan nát >< lệ nhạt nhòa” cũng chỉ dừng ở mức tá đối) nên LH ko nghĩ rằng lại xét đến cả cặp câu luận
Tranh luận về thơ văn luôn là những cuộc tranh luận thú vị và kéo dài bất tận nên dù còn nhiều ý kiến bất đồng thì LH cũng xin tạm dừng
Cảm ơn và chúc các thi hữu vui
Lan Hương
03-02-12, 07:21 PM
LH chỉ xin nói thêm về 1 câu thơ
Chờ đông mà chẳng thấy đông sang, thì ở đây tác giả có thể ko chờ đợi mùa đông đích thực mà chờ đợi... Đông quân
Đông quân sao khéo bất bình
Cành hoa tàn nguyệt bực mình hoài xuân
Mà Đông quân ở đây cũng chỉ một ý nghĩa khác to lớn hơn chớ đâu phải đông quân chỉ là ... đông quân
Hiểu được như vậy sẽ hiểu được chút tình mà tg gởi gắm ở những câu sau
LH chỉ xin nói thêm về 1 câu thơ
Chờ đông mà chẳng thấy đông sang, thì ở đây tác giả có thể ko chờ đợi mùa đông đích thực mà chờ đợi... Đông quân
Đông quân sao khéo bất bình
Cành hoa tàn nguyệt bực mình hoài xuân
Mà Đông quân ở đây cũng chỉ một ý nghĩa khác to lớn hơn chớ đâu phải đông quân chỉ là ... đông quân
Hiểu được như vậy sẽ hiểu được chút tình mà tg gởi gắm ở những câu sau
Thơ LH luôn chuyển tải những ẩn ý sâu xa và thơ viết nhẹ nhàng như thở, nếu LH chịu gò vào niêm luật thi trường nữa thì PL thơ LH sẽ có những thứ hạng cao hơn. Xong, thi cũng chỉ là tạo một sân chơi sáng tác. Chúng ta xem như đã thành công khi có được những tác phẩm của mình từ sân chơi này rồi phải không?
Bản thân PL thì luôn muón gợi hứng cho các thành viên sáng tác... Nên đã rất vui với thành công này của cuộc thi. Pl hy vọng trong các cuộc thi sau sẽ nhận được nhiều bài tham gia hôn nữa...
Lan Hương
04-02-12, 03:59 PM
Cảm ơn cô PL. Trong thơ cũng như trong cuộc sống, LH luôn trọng ý hơn từ nên chẳng bao giờ thành đạt
Ko dám so sánh với Bác 'thả ngâm thả đãi tự do thì', nhưng LH cũng chỉ làm thơ cho vui trong lúc rỗi rãi. Mà cũng chẳng biết mình chờ đợi cái gì đây
BTC đã chuẩn bị xong quà thư pháp cho các bạn đạt giải cuộc thi này. BTC mời các bạn đạt giải ở xa gởi địa chỉ và Số tài khoản (Vietcombank) vào PM cho PL, để PL gởi quà và giải cho các bạn nhé!
Nắng Xuân
12-04-12, 06:57 AM
VÀI SUY NGHĨ VỀ CUỘC THI THƠ ĐƯỜNG LUẬT
“THƠ TÌNH MÙA ĐÔNG” TRÊN NGUYỆT VIÊN
Mùa Đông là mùa của nhớ nhung, hoài niệm. Mùa Đông cũng là khoảng thời gian ngưng đọng của vạn vật, lắng đọng của những tâm hồn để chuẩn bị đón thời khắc chuyển giao năm cũ qua năm mới.
Diễn đàn http://nguyetvien.net được cộng đồng mạng yêu văn chương biết đến như một trang có thiên hướng về thơ theo thể luật Đường. Cuộc thi thơ Đường luật lần thứ 6 này mang ý nghĩa: đánh dấu bước đi của Nguyệt Viên qua các thế hệ môn sinh, thể hiện lòng biết ơn tới người sáng lập và khai sinh môn phái, danh sĩ Glc (tức thầy Bcdt) đồng thời hướng tới sinh nhật Diễn đàn lần thứ 3.
Nhà thơ trẻ Quân Tấn, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn TP. Cần Thơ, lần thứ 3 được mời tham gia thành phần Ban Giám Khảo mang ý nghĩa khách quan bởi anh là cây viết trẻ, khá sung sức đương đại, ít viết Đường luật, chỉ biết đến thể thơ này và quen cảm nhận nó qua sách vở nhà trường, đặc biệt chưa từng là môn sinh Cổ Mộ hay bất cứ một trào lưu thơ Đường luật nào trên NET. Hai thành viên BGK còn lại đều thuộc gia đình Cổ Mộ phái, điều này minh chứng cho các bài đoạt giải phần nhiều mang phong cách chính thống của trường phái này. Đa số các cây viết đạt giải cao trong các cuộc thi trước đây lần này không tham gia. Đây là một trong những lý do làm cho chất lượng bài thi không đúng như BTC đã kỳ vọng. Tuy nhiên, điều này lại hàm chứa tính nhân văn sâu sắc, rất tế nhị vì là chủ ý của các cây viết đàn anh, đàn chị nhằm khuyến khích các cây viết trẻ, các cây viết mới mạnh dạn tham gia, họ không còn e dè bởi tâm lý “viết cho có thôi chứ khó lòng vượt qua những cây đại thụ kỹ thuật cao, giàu kinh nghiệm”. Đặc biệt, BTC còn khuyến khích các học viên còn đang theo học Sơ Cấp mạnh dạn “thử lửa”. Các bài dự thi đạt giải của Minh Đức và Doantue càng chứng tỏ dư luận “CM tổ chức thi thì chỉ có người của CM đạt giải” là không chính xác. Môn sinh đạt giải cao hơn người hướng dẫn càng thể hiện tính khách quan, sự công tâm và sự phát triển đúng hướng, “thu hút được những người trẻ tuổi và có tài”...
Khái quát về giá trị học thuật mà cuộc thi mang lại theo đánh giá chủ quan của mình, NX nhận thấy: Ban Tổ Chức kỳ vọng rất nhiều vào cuộc thi lần này nhưng cuối cùng chỉ nhận được 44 tác phẩm của (Phale cho Thúc con số???)... tác giả. Số lượng bạn bè trong và ngoài Diễn đàn đã tích cực hưởng ứng cũng là phần động viên đáng kể. Rất tiếc là hơn 20 bài sai niêm luật và một số bài đối không chỉnh. 12 bài được Ban Giám Khảo chọn vào Chung khảo, thậm chí ngay cả những bài đạt giải cũng chưa là những bài hay nhất, hoàn chỉnh nhất hoặc có những khám phá mới... mà chỉ là những bài nhiều ưu điểm và ít khiếm khuyết nhất trong số các bài dự thi. Điều này cho thấy những người tham gia còn chủ quan hoặc chưa đầu tư kỹ càng cho tác phẩm của mình.
Trong nhiều bài thơ có những câu đọc rất xuất sắc, rất đáng ghi nhận, học hỏi (kể cả những bài loại từ Sơ khảo).
Thân cò giá buốt dưới mưa giông (Bài 1)
Gói thổi hơi sầu buốt ánh trăng (Bài 2)
Bóng quế nhạt nhòa do lệ đọng (Bài 3)
Đường thôn hun hút tiếng gà trưa (Bài 4)
Mắt xanh lúng liếng dải sông Cầu (Bài 5)
Mở mắt nhìn đêm đang nhảy nhót (Bài 6)
Đêm đông buốt giá còn bao nữa? (Bài 8)
Võng chùng bên vách - mối sầu đưa (Bài 9)
Chớp lòe một đám mây vần vũ (Bài 10)
Gió bấc theo chân dải thiệp hồng (Bài 11)
Cỏ hoa phai sắc sương cài áo (Bài 12)
Đã thoáng đông về nghịch áo bay
Pha màu nắng nhạt vẽ sương dày (Bài 13)
Phố đã quàng khăn đứng gọi mùa
Cây bàng cuối nẻo nhánh gầy khua
Mưa từ hạ trước còn dây nghịch
Gió tận thu nao vẫn sót đùa (Bài 14)
Khẽ rọi tầng mây tia nắng cũ
Buồn vương mái ngói hạt sương thừa (Bài 15)
Nắng ẩn vào mây hoa nắng lạc
Trăng lui tới biển mặt trăng chìm (Bài 16)
Bến Bạc âu sầu sương trắng dãi
Sông Hồng nhàn nhạt nắng vàng pha (Bài 17)
Giọt dài giọt vắn lọt song thưa (Bài 18)
Cò bay mỏi cánh về đâu nhỉ (Bài 19)
Lặng lẽ thu tàn chạm gót đông (Bài 21)
Căng mộng làn môi tím luống cà (Bài 22)
Nợ cũ eo sèo cửa Tú Xương (Bài 23)
Khi trời tuyết đổ lạnh tràn song
Nỗi nhớ quê hương cháy bỏng lòng (Bài 24)
Khi mùa giấu nắng cõng mù sang
Tơ hồng thấm nhớ này thoi quyện
Chỉ đỏ chan yêu đó sợi quàng (Bài 25)
Tay gầy đan nhớ đường len nhặt
Gót nhỏ gieo sầu xác lá thưa (Bài 26)
Não nề mõ cú xé đêm thâu (Bài 27)
Xa nhau! mỗi khắc là thêm nhớ
Sầu đổ ra ngoài ướt bút nghiên... (Bài 28)
Lắng giọt đồng hồ đợi sớm mai (Bài 29)
Bàng thay áo lá gầy xơ cội
Phố đội khăn mây lạnh xám tầng (Bài 30)
Mênh mang sương trắng dạo trên đồng (Bài 31)
Cha từng xuống biển thuyền xây lũy
Mẹ đã lên non đá dựng tường (Bài 32)
Khẽ khàng sợi bấc giỡn cành hoa (Bài 33)
Mẹ yếu lưng còng ngày giáp hạt (Bài 34)
Cảm tác trầm tư đông tịch lắng
Không gian bất tận vọng hồi chuông! (Bài 36)
Trời đêm trở gió rộng chăn thừa (Bài 38)
Đất ngủ chờ xuân ươm hạt mẩy (Bài 39)
Tuyết đổ vai gầy lạnh ý thơ (Bài 40)
Đông sầu lả gót lặng thầm tôi (Bài 41)
Cuối ngõ thu tàn trở giấc đông (Bài 42)
Chiều đông bóng ngả cuối chân trời (Bài 43)
Đôi bờ mộng ảo càng se chặt
Một khối tình chân cứ bện dầy (Bài 44)
Thực tế này cho thấy tiềm năng thơ còn lẩn khuất chưa kịp đánh thức trọn vẹn.
Trong văn chương, khó có thể đưa ra một đáp án rạch ròi! Cái “được” hay “chưa được” vẫn thiên về tính “chủ quan”, nằm trong khả năng cảm nhận, sự nhập tâm, cũng như thời điểm, thời lượng cần thiết cho những rung cảm đồng điệu từ tâm hồn người đọc. Có khi một câu thơ đọc mấy chục lần, nghe mấy chục lần mà chưa dám chắc là đã hiểu hết ý thơ, hiểu hết cảm xúc của người viết gửi gắm gì trong đó... Vậy nhưng, thời gian đánh giá và đưa ra kết quả không thể kéo dài... Vì vậy hãy thông cảm cho những người dũng cảm dám nhận làm BGK bởi lẽ họ không có tiền thù lao, không có danh (người ta ghi những lần được giải chứ chẳng ai ghi trong lý lịch văn chương của mình là đã từng làm GIÁM KHẢO vì không DÁM THI). Khen mà không chê thì nói là đánh giá một chiều, tâng bốc nhau để lấy lòng... Nhận xét đúng quá, phê thẳng quá có khi lại mích lòng nhau, nhận xét sai thì bị mổ xẻ...
Mong rằng sau mỗi cuộc thi như vậy, BTC, BGK hay những người dự thi, những người trong hay ngoài cuộc chơi đều được trao đổi, rèn luyện để cùng nhau trưởng thành, đóng góp những tác phẩm hay cho đời, góp phần vào sự tiến bộ của văn học nước nhà.
NẮNG XUÂN
vBulletin® v3.8.7, Copyright ©2000-2025, vBulletin Solutions, Inc.