viet tam
25-06-10, 11:28 PM
NƯỚC NHƯ NƯỚC MẮT
Nguyễn Ngọc Tư
1
Chồng Sáo chết vì mấy lá ngò gai.
2
Nhà chức trách nói rằng họ đang tìm sự thật nhưng có thể chồng Sáo đã lẻn lên bè rẫy Đại Thanh trộm tài sản của họ, lúc người ta bắt gặp đã xảy ra xô xát nhỏ, anh lao xuống sông định trốn, chết nước là chuyện rủi ro không ai ngờ… “Những người đầu tiên trông thấy xác chồng cô đều chứng kiến trên tay anh ta còn cầm một sợi dây chuyền vàng đã đứt”, nhà chức trách bảo vậy. Sáo nói không phải đâu, anh Thi chồng tôi chỉ muốn lén hái vài lá ngò. Nhà chức trách hơi xẵng giọng, chúng tôi dựa trên nhiều bằng chứng quan trọng. Sáo cãi không phải đâu, chồng tôi cần có chút ngò gai thôi. Họ kiên nhẫn kêu vài nhân chứng tới nói mấy câu chuyện ngập ngừng.
Sáo cãi phăng đi. Ngay khi Sáo ôm xiết chồng đang nằm thõng thượt trên cái bàn dài đặt giữa văn phòng nhà chức trách, ngay khi nó vùi mặt mình vào cơ thể lạnh lẽo chi chít những chỗ tím bầm, ràn rụa tìm kiếm hơi thở của anh núp trốn đâu đó, trong rún, trong mắt hay ở bên sườn. Khi lướt qua đôi môi dập nát nó nghe phảng phất mùi ngò gai. Trời đất ơi, chồng nó đã nhấm nháp thưởng thức mùi vị chúng ngay khi vừa hái được. Anh vẫn chưa nuốt trôi khỏi cổ, ý nghĩ đó làm nó nghẹt thở. Người ta đang nhâm nhi ngò gai thì không ngó ngàng tới vàng bạc đâu, Sáo nói và xốc ôm chồng tha về ghe.
Dưới sạp ghe hai con cá Bạc Đầu đã chết. Cặp cá này sáu tiếng đồng hồ trước vợ chồng Sáo giăng lưới bắt được. Cá bị nước đuổi ốm tong teo nhưng chồng Sáo sướng quên trời đất, và như con nít, anh đứng múa may quay cuồng ở đầu ghe, kêu hết sẩy hết sẩy, nói phước đức ông bà để lại. Chưa bao giờ Sáo thấy anh hạnh phúc, hân hoan đến vậy, đến nỗi nó đã chạnh lòng ngay lúc đó, anh đâu có từng tỏ ra quý mình như quý cặp cá này.
Cá Bạc Đầu luôn đi thành đôi, là loại cá rất hiếm hoi. Sục sạo như chồng Sáo cũng chỉ một lần thấy chúng. Má chồng Sáo hồi còn sống thường thắt thẻo nói vợ chồng nào hiếm muộn con cái nuốt mật cặp cá Bạc Đầu thể nào cũng cấn thai. Bà hay ngồi ở cửa trước hóng coi trẻ con bên xóm đang chạy giỡn, tiếng thở dài của bà lửng thửng bay về phía Sáo nhoi nhói. Chồng Sáo cà rỡn, “bắt được cá Bạc Đầu rồi vợ con sanh một lần bảy đứa, cho má giữ mệt nghỉ…”. Má chồng không chờ được, lúc bà chết bên vách vẫn còn giắt mớ vỏ tỏi - thứ đàn bà đẻ dùng để xông da thịt cho thơm. Chồng Sáo vẫn phấn khích quăng chài xuống sông Sắc nuôi hy vọng, không hoàn toàn vì khao khát trẻ con. Chồng Sáo đã được ăn cá một lần hồi mười lăm tuổi mà mỗi khi anh nhắc lại nồi canh cá nấu mẳn, Sáo lại thấy nước miếng rỉ ra rưng rưng bên mép anh. Người Châu Thổ hay nói, bắt tao tả đau bụng đẻ ra làm sao chẳng khác nào kêu tả mùi vị con cá Bạc Đầu, tức là chẳng thể chia sẻ cảm giác với người khác nếu họ không tự mình trải qua. Sách “Bi ký” chép lại, năm 813 đã có một làng chài lưới bị tàn sát vì giữ lại cá Bạc Đầu mà không cống nộp cho vua. Một trăm ba mươi bốn người trong làng đã chết. Ba chồng Sáo quý cuốn sách đó như một gia tài nhưng nhà nó đã làm mất vào một bữa nước đột ngột dâng.
Giờ con cá của những đồn đãi, con cá huyền thoại, con cá vì nó mà người ta sống, chết đang nằm trong ghe nhà Sáo, đuôi màu xám đậm rồi phai dần cho đến phần đầu thì trắng muốt tựa bông lau chín. Cái chết cận kề không làm cho chúng thôi quấn quýt. Chúng chạm râu vào nhau khẽ khàng, như âu yếm như đờ đẫn, như dịu dàng lại như kiệt sức. Phải, nước đuổi đã quá hai tháng rồi, đến con người cũng phờ phạc bạc đi.
3
Mùa nước đuổi bắt đầu từ giữa tháng Giêng. Ngó nước bắt đầu linh đinh bờ bãi, người ở xóm Rẫy thở dài ứ hự, chắc năm sau ăn Tết trên ghe.
Cứ mỗi năm nước đuổi lại tới sớm hơn, mùa mỗi năm mỗi dài hơn. Tết chưa tàn vợ chồng Sáo đã lụi hụi dọn đồ đạc lên ghe, bông vạn thọ trồng trong cái khạp lủng để trước hàng ba còn chưa bung nở hết. Chồng Sáo cứ tiếc là ghe chật quá, không rinh cái khạp đó đem theo được.
Anh còn muốn bứng cả cây cỏ quanh nhà theo, nếu có thể. Nên trên ghe lủ khủ những bụi hành hẹ, sả, vài cây ớt, ít hẹ, ngò om… Mấy thứ cỏn con này hay làm chồng Sáo bận lòng, ăn cá chốt nấu cơm mẻ mà thiếu sả ớt, cá trê nướng mà không gừng… là anh băn khoăn lắm. Anh nói thà không ăn, chứ ăn vầy không đúng điệu.
Chồng Sáo ưa nói hai từ đúng điệu. Coi kìa, đêm nay trời trong nhưng trăng tròn quá nhìn không đúng điệu, phải khuyết chút ngó hay hơn. Nắng vầy mà có bóng cây để treo võng nằm chơi là đúng điệu. Con lá lóc này phải có rơm khô chất lên đốt nướng trui mới đúng điệu. Sống giữa trời nước bao la vầy mà không có nước để tắm cho đúng điệu, nghĩ mà tức.
Sáo nhớ chồng nó nói câu đó khi đang ngồi ểnh ra, se miết mấy ngón tay da cổ làm đất rụng xuống lả tả. Gọi là tắm khô, kỳ cọ bằng mồ hôi xong sẽ tắm ướt bằng hai gàu nước. Nhưng có bữa chồng Sáo tắm cả xô, tắm đúng điệu. Chữ đúng điệu nhiều lúc làm Sáo sợ. Nhất là khi nghe bảo “em nằm day lại tui gãi cho đúng điệu cái coi”. Đêm nào trước lúc ăn nằm với nhau bao giờ chồng cũng gãi lưng Sáo, trong một trình tự lớp lang đúng điệu, bắt đầu từ lúc những ngón chân cọ vào bắp chân Sáo, sau đó này sau đó kia, anh nhẩn nha đến nỗi nó thiu thiu ngủ luôn bỗng nghe cái gì đó xộc tới chới với. Nó không thích vậy nhưng không dám nói, biết đâu vì cái khoảnh khắc chới với đó mà trẻ con không chịu ra đời.
Sáo còn hồ nghi vì hai chữ đúng điệu mà nhà nó nghèo. Gieo mấy giồng cải, chồng Sáo nói lá cải chưa mướt mà nhổ bán là không đúng điệu, nhưng chờ tới lứa cào cào ở đâu bay lại ăn đám rau rách nát. Có năm trồng dưa hấu, thấy dưa lớn trái lại đang được giá Sáo đòi bán cho thương lái. Chồng bảo chờ cho dưa chín thêm ít nữa, cho da trái dưa căng bóng mới đúng điệu. Ai ngờ trời trở mưa một trận, không kịp cắt dây dưa nổ lụp bụp như pháo, nứt vỏ hết. Trắng tay.
Mùa đó là mùa dưa cuối cùng trên đất nhà Sáo. Năm sau nước đuổi tới nơi, cứ nghĩ nước tràn quanh quẩn những vùng gần biển thôi, nhưng nước theo sông ngày càng vào sâu hơn, tràn bờ bãi, ngấm vào chân ruộng. Người ta kéo nhau đi đào đất đắp bờ, nhưng đắp tới đâu nước theo tới đó, cơi nhà tới đâu nước ngập tới đó, không lẽ ở trên mái nhà, thôi kéo nhau lên ghe ở cho rồi. Cây trái tàn rụi, chỉ còn cỏ Đuôi Mèo là sống được, đem bán rẻ mạt cho những người chăn nuôi bò ở bên kia biên giới, chẳng được bao nhiêu tiền.
Chồng Sáo không lấy chuyện đó làm phiền, cả khi ôm cái lư hương cha mẹ rút lên ghe chờ qua mùa nước đuổi, anh vẫn làm mặt tỉnh queo. Cả xứ này bỏ đất mà đi chớ đâu phải chỉ nhà mình, chồng Sáo nói vậy. Chỉ một lần duy nhất chợt thèm ớt giữa bữa cơm, mà cây ớt đem theo đã chết queo, anh mới dựng đũa kêu trời.
Trời im ắng ở trên cao, trong ngằn ngặt, trong như nước mắt. Nắng quay quắt như vắt như vo con người thành những hòn đá khô khốc có thể lăn cọc cạch. Vợ chồng Sáo neo ghe ngay trên đất vườn mình, cạnh mái nhà mình, lây lất sống nhờ chài lưới những con cá nước đục còn sót lại ốm ròm trên mình đầy ghẻ lở… sau đó thì tới đám cá nước trong len lỏi vào sâu trong đất liền, hai đứa kiếm được chút đỉnh tiền gạo và không đến nỗi cực ăn. Nhưng có bữa chỉ bắt được cá Sầu Ngư, đành ăn cơm với muối hột.
Sầu Ngư bình thường vẩy màu xám bạc chỉ nhẩn nha ăn bèo rong trôi dạt, đến nước đuổi thân cá trở nên đỏ thẫm. Chúng có thể sống tỉnh queo nhờ rỉa xác súc vật chết trôi, trong đó có cả xác người. Chồng Sáo vừa ghét vừa ghê sợ chúng, anh xỉa xói, “Cái thứ ham sống tới nỗi bất chấp tội lỗi…”. Sáo mắc cười quá, mắng cá mà như mắng người.
Sáo đâu có ngờ có ngày mình phải bảo vệ chồng khỏi miệng cá Sầu Ngư.
4
Chồng Sáo ốm teo, nằm gọn đeo trong cái hòm được ghép tạm bằng mấy tấm ván ngựa xóm giềng giúp mò lấy từ dưới nhà lên. Lúc lau rửa cho chồng, men tay theo từng tấc thịt da dường như đang tan chảy Sáo thấy buồn quá. Không thể chôn xuống đất, người ta bày cách dìm hòm xuống nước, lấy dây buộc níu vô cột nhà, chờ nước rút mới đem âm thổ. Vị mặn của nước ngấm vào sẽ làm chồng Sáo lâu tàn rữa, họ nói vậy.
Xóm giềng lặng lẽ tiễn chồng Sáo. Cũng mệt mỏi và đuối sức như những con cá nước đục khắc khoải sống với cái vị mặn mòi xa xót của biển, họ chới với khi bị bứng lìa khỏi đất, khỏi cái màu xanh rười rượi của cỏ cây. Cả cái chết cũng không phải xa lạ, nó diễn ra mỗi ngày, người ta chết đuối, chết vì khát, vì thèm tắm, vì nhớ vị của trái ổi chát, vì giành nhau cành củi trôi sông…
Riêng chồng Sáo thì chết vì thèm rau. Hàng xóm bảo, không phải, nó chết vì nghèo đó chớ. Vì nghèo nên không đi ra khỏi cái xứ trần ai này được. Vì nghèo nên phải bỏ mạng vì gặp phải bọn cậy giàu coi sinh mệnh người như cỏ rác. Bứt mấy cọng ngò thôi mà, có phải thù oán gì cho lắm đâu mà nhẫn tâm quá thể? Sáo cũng muốn đi hỏi người của bè rau Đại Thanh câu đó. Sao vậy, tại sao, vì sao?
- Thời thế loạn rồi, đất không còn thì có thứ gì còn.
Ông bán xôi dạo thở hắt ứ hự. Ông nói bữa trước đi ngang bè rau nghe có tiếng kêu cứu, nghe trên đó rầy sao mầy không chết đi, sống làm chi mà làm khổ người ta. Không biết “người ta” là ai, mắc mớ gì tới cái bọn sống sung sướng trên cái bè rau đó.
Sáo nghe xong tưởng trong lồng ngực có thứ gì vừa đứt phựt, nó hức lên, anh ơi sao anh tới chỗ đó mà chết. Ủa, vậy chồng mình chết chỗ khác thì mình đỡ đau lòng hơn sao? Sáo giật mình nghĩ vậy khi vừa khóc dứt. Trong nỗi ân hận Sáo ngồi dựa vách ghe, mong xóm giềng cứ ngồi chơi, nếu không muốn nhắc tới chồng nó thì cứ nói chuyện bâng quơ, chuyện những vùng đất cao cẳng xa xôi nước biển không bao giờ đuổi tới, chuyện ở đâu đó con chó đẻ ra con dê, cây dừa có chín đọt… Hoặc họ không nói gì cũng được, ca hát cũng được… Nhưng họ phải về, phải sống. Cuối buổi sáng là nhà chức trách xả nước ngọt ở các máy nước công cộng, không kịp chèo ghe đi lấy sẽ không có nước nấu cơm, tắm giặt…
Sáo chỉ còn một mình.
Nguyễn Ngọc Tư
1
Chồng Sáo chết vì mấy lá ngò gai.
2
Nhà chức trách nói rằng họ đang tìm sự thật nhưng có thể chồng Sáo đã lẻn lên bè rẫy Đại Thanh trộm tài sản của họ, lúc người ta bắt gặp đã xảy ra xô xát nhỏ, anh lao xuống sông định trốn, chết nước là chuyện rủi ro không ai ngờ… “Những người đầu tiên trông thấy xác chồng cô đều chứng kiến trên tay anh ta còn cầm một sợi dây chuyền vàng đã đứt”, nhà chức trách bảo vậy. Sáo nói không phải đâu, anh Thi chồng tôi chỉ muốn lén hái vài lá ngò. Nhà chức trách hơi xẵng giọng, chúng tôi dựa trên nhiều bằng chứng quan trọng. Sáo cãi không phải đâu, chồng tôi cần có chút ngò gai thôi. Họ kiên nhẫn kêu vài nhân chứng tới nói mấy câu chuyện ngập ngừng.
Sáo cãi phăng đi. Ngay khi Sáo ôm xiết chồng đang nằm thõng thượt trên cái bàn dài đặt giữa văn phòng nhà chức trách, ngay khi nó vùi mặt mình vào cơ thể lạnh lẽo chi chít những chỗ tím bầm, ràn rụa tìm kiếm hơi thở của anh núp trốn đâu đó, trong rún, trong mắt hay ở bên sườn. Khi lướt qua đôi môi dập nát nó nghe phảng phất mùi ngò gai. Trời đất ơi, chồng nó đã nhấm nháp thưởng thức mùi vị chúng ngay khi vừa hái được. Anh vẫn chưa nuốt trôi khỏi cổ, ý nghĩ đó làm nó nghẹt thở. Người ta đang nhâm nhi ngò gai thì không ngó ngàng tới vàng bạc đâu, Sáo nói và xốc ôm chồng tha về ghe.
Dưới sạp ghe hai con cá Bạc Đầu đã chết. Cặp cá này sáu tiếng đồng hồ trước vợ chồng Sáo giăng lưới bắt được. Cá bị nước đuổi ốm tong teo nhưng chồng Sáo sướng quên trời đất, và như con nít, anh đứng múa may quay cuồng ở đầu ghe, kêu hết sẩy hết sẩy, nói phước đức ông bà để lại. Chưa bao giờ Sáo thấy anh hạnh phúc, hân hoan đến vậy, đến nỗi nó đã chạnh lòng ngay lúc đó, anh đâu có từng tỏ ra quý mình như quý cặp cá này.
Cá Bạc Đầu luôn đi thành đôi, là loại cá rất hiếm hoi. Sục sạo như chồng Sáo cũng chỉ một lần thấy chúng. Má chồng Sáo hồi còn sống thường thắt thẻo nói vợ chồng nào hiếm muộn con cái nuốt mật cặp cá Bạc Đầu thể nào cũng cấn thai. Bà hay ngồi ở cửa trước hóng coi trẻ con bên xóm đang chạy giỡn, tiếng thở dài của bà lửng thửng bay về phía Sáo nhoi nhói. Chồng Sáo cà rỡn, “bắt được cá Bạc Đầu rồi vợ con sanh một lần bảy đứa, cho má giữ mệt nghỉ…”. Má chồng không chờ được, lúc bà chết bên vách vẫn còn giắt mớ vỏ tỏi - thứ đàn bà đẻ dùng để xông da thịt cho thơm. Chồng Sáo vẫn phấn khích quăng chài xuống sông Sắc nuôi hy vọng, không hoàn toàn vì khao khát trẻ con. Chồng Sáo đã được ăn cá một lần hồi mười lăm tuổi mà mỗi khi anh nhắc lại nồi canh cá nấu mẳn, Sáo lại thấy nước miếng rỉ ra rưng rưng bên mép anh. Người Châu Thổ hay nói, bắt tao tả đau bụng đẻ ra làm sao chẳng khác nào kêu tả mùi vị con cá Bạc Đầu, tức là chẳng thể chia sẻ cảm giác với người khác nếu họ không tự mình trải qua. Sách “Bi ký” chép lại, năm 813 đã có một làng chài lưới bị tàn sát vì giữ lại cá Bạc Đầu mà không cống nộp cho vua. Một trăm ba mươi bốn người trong làng đã chết. Ba chồng Sáo quý cuốn sách đó như một gia tài nhưng nhà nó đã làm mất vào một bữa nước đột ngột dâng.
Giờ con cá của những đồn đãi, con cá huyền thoại, con cá vì nó mà người ta sống, chết đang nằm trong ghe nhà Sáo, đuôi màu xám đậm rồi phai dần cho đến phần đầu thì trắng muốt tựa bông lau chín. Cái chết cận kề không làm cho chúng thôi quấn quýt. Chúng chạm râu vào nhau khẽ khàng, như âu yếm như đờ đẫn, như dịu dàng lại như kiệt sức. Phải, nước đuổi đã quá hai tháng rồi, đến con người cũng phờ phạc bạc đi.
3
Mùa nước đuổi bắt đầu từ giữa tháng Giêng. Ngó nước bắt đầu linh đinh bờ bãi, người ở xóm Rẫy thở dài ứ hự, chắc năm sau ăn Tết trên ghe.
Cứ mỗi năm nước đuổi lại tới sớm hơn, mùa mỗi năm mỗi dài hơn. Tết chưa tàn vợ chồng Sáo đã lụi hụi dọn đồ đạc lên ghe, bông vạn thọ trồng trong cái khạp lủng để trước hàng ba còn chưa bung nở hết. Chồng Sáo cứ tiếc là ghe chật quá, không rinh cái khạp đó đem theo được.
Anh còn muốn bứng cả cây cỏ quanh nhà theo, nếu có thể. Nên trên ghe lủ khủ những bụi hành hẹ, sả, vài cây ớt, ít hẹ, ngò om… Mấy thứ cỏn con này hay làm chồng Sáo bận lòng, ăn cá chốt nấu cơm mẻ mà thiếu sả ớt, cá trê nướng mà không gừng… là anh băn khoăn lắm. Anh nói thà không ăn, chứ ăn vầy không đúng điệu.
Chồng Sáo ưa nói hai từ đúng điệu. Coi kìa, đêm nay trời trong nhưng trăng tròn quá nhìn không đúng điệu, phải khuyết chút ngó hay hơn. Nắng vầy mà có bóng cây để treo võng nằm chơi là đúng điệu. Con lá lóc này phải có rơm khô chất lên đốt nướng trui mới đúng điệu. Sống giữa trời nước bao la vầy mà không có nước để tắm cho đúng điệu, nghĩ mà tức.
Sáo nhớ chồng nó nói câu đó khi đang ngồi ểnh ra, se miết mấy ngón tay da cổ làm đất rụng xuống lả tả. Gọi là tắm khô, kỳ cọ bằng mồ hôi xong sẽ tắm ướt bằng hai gàu nước. Nhưng có bữa chồng Sáo tắm cả xô, tắm đúng điệu. Chữ đúng điệu nhiều lúc làm Sáo sợ. Nhất là khi nghe bảo “em nằm day lại tui gãi cho đúng điệu cái coi”. Đêm nào trước lúc ăn nằm với nhau bao giờ chồng cũng gãi lưng Sáo, trong một trình tự lớp lang đúng điệu, bắt đầu từ lúc những ngón chân cọ vào bắp chân Sáo, sau đó này sau đó kia, anh nhẩn nha đến nỗi nó thiu thiu ngủ luôn bỗng nghe cái gì đó xộc tới chới với. Nó không thích vậy nhưng không dám nói, biết đâu vì cái khoảnh khắc chới với đó mà trẻ con không chịu ra đời.
Sáo còn hồ nghi vì hai chữ đúng điệu mà nhà nó nghèo. Gieo mấy giồng cải, chồng Sáo nói lá cải chưa mướt mà nhổ bán là không đúng điệu, nhưng chờ tới lứa cào cào ở đâu bay lại ăn đám rau rách nát. Có năm trồng dưa hấu, thấy dưa lớn trái lại đang được giá Sáo đòi bán cho thương lái. Chồng bảo chờ cho dưa chín thêm ít nữa, cho da trái dưa căng bóng mới đúng điệu. Ai ngờ trời trở mưa một trận, không kịp cắt dây dưa nổ lụp bụp như pháo, nứt vỏ hết. Trắng tay.
Mùa đó là mùa dưa cuối cùng trên đất nhà Sáo. Năm sau nước đuổi tới nơi, cứ nghĩ nước tràn quanh quẩn những vùng gần biển thôi, nhưng nước theo sông ngày càng vào sâu hơn, tràn bờ bãi, ngấm vào chân ruộng. Người ta kéo nhau đi đào đất đắp bờ, nhưng đắp tới đâu nước theo tới đó, cơi nhà tới đâu nước ngập tới đó, không lẽ ở trên mái nhà, thôi kéo nhau lên ghe ở cho rồi. Cây trái tàn rụi, chỉ còn cỏ Đuôi Mèo là sống được, đem bán rẻ mạt cho những người chăn nuôi bò ở bên kia biên giới, chẳng được bao nhiêu tiền.
Chồng Sáo không lấy chuyện đó làm phiền, cả khi ôm cái lư hương cha mẹ rút lên ghe chờ qua mùa nước đuổi, anh vẫn làm mặt tỉnh queo. Cả xứ này bỏ đất mà đi chớ đâu phải chỉ nhà mình, chồng Sáo nói vậy. Chỉ một lần duy nhất chợt thèm ớt giữa bữa cơm, mà cây ớt đem theo đã chết queo, anh mới dựng đũa kêu trời.
Trời im ắng ở trên cao, trong ngằn ngặt, trong như nước mắt. Nắng quay quắt như vắt như vo con người thành những hòn đá khô khốc có thể lăn cọc cạch. Vợ chồng Sáo neo ghe ngay trên đất vườn mình, cạnh mái nhà mình, lây lất sống nhờ chài lưới những con cá nước đục còn sót lại ốm ròm trên mình đầy ghẻ lở… sau đó thì tới đám cá nước trong len lỏi vào sâu trong đất liền, hai đứa kiếm được chút đỉnh tiền gạo và không đến nỗi cực ăn. Nhưng có bữa chỉ bắt được cá Sầu Ngư, đành ăn cơm với muối hột.
Sầu Ngư bình thường vẩy màu xám bạc chỉ nhẩn nha ăn bèo rong trôi dạt, đến nước đuổi thân cá trở nên đỏ thẫm. Chúng có thể sống tỉnh queo nhờ rỉa xác súc vật chết trôi, trong đó có cả xác người. Chồng Sáo vừa ghét vừa ghê sợ chúng, anh xỉa xói, “Cái thứ ham sống tới nỗi bất chấp tội lỗi…”. Sáo mắc cười quá, mắng cá mà như mắng người.
Sáo đâu có ngờ có ngày mình phải bảo vệ chồng khỏi miệng cá Sầu Ngư.
4
Chồng Sáo ốm teo, nằm gọn đeo trong cái hòm được ghép tạm bằng mấy tấm ván ngựa xóm giềng giúp mò lấy từ dưới nhà lên. Lúc lau rửa cho chồng, men tay theo từng tấc thịt da dường như đang tan chảy Sáo thấy buồn quá. Không thể chôn xuống đất, người ta bày cách dìm hòm xuống nước, lấy dây buộc níu vô cột nhà, chờ nước rút mới đem âm thổ. Vị mặn của nước ngấm vào sẽ làm chồng Sáo lâu tàn rữa, họ nói vậy.
Xóm giềng lặng lẽ tiễn chồng Sáo. Cũng mệt mỏi và đuối sức như những con cá nước đục khắc khoải sống với cái vị mặn mòi xa xót của biển, họ chới với khi bị bứng lìa khỏi đất, khỏi cái màu xanh rười rượi của cỏ cây. Cả cái chết cũng không phải xa lạ, nó diễn ra mỗi ngày, người ta chết đuối, chết vì khát, vì thèm tắm, vì nhớ vị của trái ổi chát, vì giành nhau cành củi trôi sông…
Riêng chồng Sáo thì chết vì thèm rau. Hàng xóm bảo, không phải, nó chết vì nghèo đó chớ. Vì nghèo nên không đi ra khỏi cái xứ trần ai này được. Vì nghèo nên phải bỏ mạng vì gặp phải bọn cậy giàu coi sinh mệnh người như cỏ rác. Bứt mấy cọng ngò thôi mà, có phải thù oán gì cho lắm đâu mà nhẫn tâm quá thể? Sáo cũng muốn đi hỏi người của bè rau Đại Thanh câu đó. Sao vậy, tại sao, vì sao?
- Thời thế loạn rồi, đất không còn thì có thứ gì còn.
Ông bán xôi dạo thở hắt ứ hự. Ông nói bữa trước đi ngang bè rau nghe có tiếng kêu cứu, nghe trên đó rầy sao mầy không chết đi, sống làm chi mà làm khổ người ta. Không biết “người ta” là ai, mắc mớ gì tới cái bọn sống sung sướng trên cái bè rau đó.
Sáo nghe xong tưởng trong lồng ngực có thứ gì vừa đứt phựt, nó hức lên, anh ơi sao anh tới chỗ đó mà chết. Ủa, vậy chồng mình chết chỗ khác thì mình đỡ đau lòng hơn sao? Sáo giật mình nghĩ vậy khi vừa khóc dứt. Trong nỗi ân hận Sáo ngồi dựa vách ghe, mong xóm giềng cứ ngồi chơi, nếu không muốn nhắc tới chồng nó thì cứ nói chuyện bâng quơ, chuyện những vùng đất cao cẳng xa xôi nước biển không bao giờ đuổi tới, chuyện ở đâu đó con chó đẻ ra con dê, cây dừa có chín đọt… Hoặc họ không nói gì cũng được, ca hát cũng được… Nhưng họ phải về, phải sống. Cuối buổi sáng là nhà chức trách xả nước ngọt ở các máy nước công cộng, không kịp chèo ghe đi lấy sẽ không có nước nấu cơm, tắm giặt…
Sáo chỉ còn một mình.