Xem bài viết riêng lẻ
  #5  
Cũ 30-11-11, 02:58 PM
Avatar của Hansy
Hansy Hansy đang ẩn
Member
 
Tham gia ngày: Oct 2011
Bài gửi: 4.508
Thanks: 454
Thanked 5.204 Times in 3.374 Posts
Mặc định

Ðoạn 4.

TỪ NGỮ

Bài thơ hay không nên dùng những từ ngữ đã dùng nhiều trong văn thơ, nhất là tính từ, tỉ dụ như : (lòng) tê tái, (dài) lê thê, não nùng... Tuy nhiên, ta có thể làm mới những từ ấy bằng cách dùng nó theo ý nghĩa khác đi một chút. Thí dụ chữ "thăm thẳm" thường dùng để chỉ chiều sâu, Tô Thùy Yên dùng cho tiếng chó tru (trong bài "Góa phụ") để nói lên âm thanh dài và cao. Thanh Tâm Tuyền dùng "điệu nhạc gầy" để nói lên những nốt nhạc cao ("Dạ khúc").

Thanh Tâm Tuyền còn dùng từ "cười sặc sỡ" ("Bài ngợi ca tình yêu"). Không biết ông muốn nói "cười sặc sụa", "cười muôn màu, đủ mọi kiểu", hay là "cười điên dại" ("điên dại" thì có liên quan gì đến "sặc sỡ" ?) :

Tôi chờ đợi
cười lên sặc sỡ
la qua mái ngói
thành phố ruộng đồng
bấu lấy tim tôi
thành nhịp thở

(Thanh Tâm Tuyền - Bài ngợi ca tình yêu).

Một bài thơ bình dị, không có từ mới, vẫn có thể là bài thơ hay, rất hay, miễn là có góc cạnh mới lạ, lời thơ giản dị, trong sáng, hay nồng nàn, thành khẩn...Thí dụ :

Em tan trường về
Ðường mưa nho nhỏ
Chim non giấu mỏ
Dưới cội hoa vàng
Bước em thênh thang
Áo tà nguyệt bạch
Ôm nghiêng cặp sách
Vai nhỏ tóc dài

(Phạm Thiên Thư - Ngày xưa Hoàng thị)

Hay là:

Nhớ chăng Barbara
Hôm ấy mưa rơi hoài xuống Brest
Anh gặp em ở phố Xiêm
Em mỉm cười
Và anh cũng mỉm cười

(Thanh Tâm Tuyền - Barbara, dịch thơ Jacques Prévert)

Hay là:

Ðón em suốt bãi sông Hằng
Cát muôn kiếp mãi nhớ lần gặp xưa
Hẹn về dù nắng dù mưa
Hẹn về dù sớm dù trưa cũng về

(Tô Thùy Yên - Suốt bãi sông Hằng)


Sáng tạo

Ngoài ra, thơ hay cần từ ngữ sáng tạo. Thi sĩ mất nhiều thì giờ ở điểm này. Sáng tạo không phải là chế ra chữ mới, mà dùng chữ đã có với nghĩa khác thường. (Chế ra chữ mới cũng được thôi, nhưng nếu người đọc không hiểu thì lại thành thơ bí hiểm.)

Hãy xem những từ gạch dưới :

Em về, cát bụi òa lên
Trăm thương nghìn nhớ vỡ rền thế gian

(Tô Thùy Yên - Suốt bãi sông Hằng)

Tiếng kèn hát mãi than van
Ðiệu nhạc gầy níu nhau tuyệt vọng

(Thanh Tâm Tuyền - Dạ khúc)

Người đàn ông trở dậy sau giấc ngủ trưa
Mặt trời sáng lòa
Một người nào đội nón đi ra
Tiếng guốc bốc cháy lên hàng cây tù tội

(Nguyễn Vũ Văn - Cảm giác buổi chiều)

Tô Thùy Yên phục hồi cổ ngữ. Một cách làm mới thơ ? Hãy xem:

Ðêm nằm, lệ chảy mòn tay
Nghe chừng đá nát vàng phai đến điều

(Hái rau)

Ðòi phen toan đẩy cửa liều
Ra cùng thiên hạ vui chiều ngửa nghiêng

(Suốt bãi sông Hằng)

Thảng như con ngựa già vô dụng
Chủ bỏ ngoài trăng đứng một mình

(Góa phụ)

Hề, ta trở lại gian nhà cỏ
Giữa cánh đồng không bên kia sông

(Hề, ta trở lại gian nhà cỏ)

Dưới đây là những chữ do tác giả sáng chế ra, để độc giả tự tìm hiểu :

Rừng đưa mái võng treo triền
Như quằn chiều sánh, như lền gió qua
.
(Tô Thùy Yên - Hái rau)

Nổi chìm, lệ lợ máu lền
Ðau thương thôi đã pha rền tử sinh

(Tô Thùy Yên - Suốt bãi sông Hằng)

Những ý thơ thách đố độc giả:

Em nói như gió nghẹn
Chiều nghiêng mây Thị Mầu

(Hoàng Cầm - Chuyện trăm năm)

Mây thành thổi lửa
Nẻo Ðông Triều khép mở gió kỳ lân

(Hoàng Cầm - Ðêm thổ)

Vừa khi vuốt tóc nhìn chênh bến
Chợt thấy dài xanh ngất nước mây
Hoa khô xây bậc cho thềm ngọc
Một phím đàn đôi bốn cánh bay
Ngự đỉnh dài ánh nguyệt xuyên xanh
Ðón chào nữ chúa khóc vô thanh

(Hoàng Cầm - Ngã ba sông)

Biểu tượng

Thi ca thường dùng biểu tượng, thí dụ mùa xuân hay mầu hồng chỉ sự tốt đẹp, mùa đông hay màu xám chỉ sự buồn rầu, chết chóc. Biểu tượng có tính cách phổ quát, được mọi người chấp nhận. Thơ hay cũng cần làm mới biểu tượng.

Thí dụ, Trần Dạ Từ dùng hoa và trái thay cho mùa xuân :

Hoa và trái một đêm nào thức dậy
Nghe mộng đời xao xuyến giấc xuân xanh

(Mộng đời)

Riêng Thanh Tâm Tuyền có lối dùng biểu tượng rất độc đoán :

Sao tuổi trẻ qúa buồn
Như con mắt giận dữ

(Dạ khúc)

Giận dữ không thể là biểu tượng cho cái buồn. Con mắt giận dữ có thể buồn, nhưng buồn không nhất thiết có nét giận.

Nếu đã đi từ Hà Nội xuống Hải Phòng hay sang Bắc Ninh
Nếu đã đi từ Sài Gòn xuống Vĩnh Long hay lên Thủ Ðầu Một
Chuyến xe vẫn chỉ thuộc một mình

(Bao giờ)

Những đoạn đường nói trên cũng không buộc phải là đoạn đường độc hành.


Ðiệp ngữ

Nguyên tắc chung là tránh điệp ngữ trong cùng một câu hay trong những câu liên tiếp, như dưới đây :


Quê nhà ôi những đêm tàn lửa
Phía mặt trời ai gọi lửa lên

(Khoa Hữu - Trở về)

Hay là :

Mười năm thế giới già trông thấy
Ðất bạc màu đi, đất bạc màu

(Tô Thùy Yên - Ta về)

Những trường hợp dùng điệp ngữ :

1 - để nói đến ý của chính chữ đó:


Ôi, mê hoặc ngày ta trở lại
Núi còn đây tưởng núi hoang đường

(Khoa Hữu - Trở về)

Ta rảo quanh làng hóng chuyện phiếm
Ðời người cũng chuyện phiếm mà thôi

(Tô Thùy Yên - Ta về)

2 - để nhấn mạnh :

Mặt trời mọc !
Mặt trời mọc !
Rưng rưng mùa hoa gạo

(Quách Thoại - Trăng thiếu phụ)

3 - để diễn tả một động tác kéo dài hay lập đi lập lại :

Trên cánh đồng hoang thuần một màu
Trên cánh đồng hoang dài đến đỗi
Tàu chạy mau mà qua rất lâu
Tàu chạy mau tàu chạy rất mau
Ngựa rượt tàu rượt tàu rượt tàu

(Tô Thùy Yên - Cánh đồng con ngựa chuyến tàu)

4 - để tạo âm hưởng đặc biệt :

Ở đây ta có dăm người bạn
Phúc tự tâm, không lý đến đời
Ở đây ta có dăm pho sách
Và một dòng sông, mấy cụm mây...
Dòng sông hiền triết trôi vô lượng
Dòng sông hiền triết chảy vô tâm
Mà ta ngưỡng vọng như sư phụ
Mà ta thân thiết tựa tri âm...

(Tô Thùy Yên - Hề, ta trở lại gian nhà cỏ)

Anh sẽ vuốt tóc em cho đêm khuya tròn giấc
Anh sẽ nâng tay em cho ngọc sát vào môi
Anh sẽ nói thầm như gió thoảng trên vai
Anh sẽ nhớ suốt đời mưa tháng sáu

(Nguyên Sa - Tháng sáu trời mưa)

5 - để mở rộng ý phụ :

Dưới đây là một bút pháp nhằm mở rộng một ý mà vẫn giữ tính cách thống nhất của ngữ pháp :

Nhân danh dân chủ tự do
Chúng bán đầy đường súng đạn
Chúng bán đầy đường sinh mạng
Dạy nhau cách giết người
Lấy tội ác viết tiểu sử

(Nguyễn Vũ Văn - Vì sao)

Trong đoạn thơ trên, câu thứ 3 nhằm mở rộng ý của câu thứ 2 (súng đạn = sinh mạng) mà vẫn giữ được chữ "Chúng" làm chủ từ (subject) cho 2 câu cuối cùng.

Lần sửa cuối bởi Hansy; 30-11-11 lúc 03:22 PM
Trả lời với trích dẫn
The Following 5 Users Say Thank You to Hansy For This Useful Post:
CM4Q (01-12-11), hoatigon208410 (01-12-11), Nhím con (30-11-11), phale (30-11-11), úm_bala (04-12-11)