Xem bài viết riêng lẻ
  #12  
Cũ 02-02-12, 12:59 PM
Avatar của Quân Tấn
Quân Tấn Quân Tấn đang ẩn
Member
 
Tham gia ngày: Sep 2010
Bài gửi: 75
Thanks: 587
Thanked 297 Times in 74 Posts
Gửi tin nhắn qua Yahoo! tới Quân Tấn
Mặc định Phần Nhận Xét Của Quân Tấn

1) MĐ-13: ĐÔNG

Đã thoáng đông về nghịch áo bay
Pha màu nắng nhạt vẽ sương dày
Đường ôm lấy phố đìu hiu ngủ
Liễu nép vào tường xao xác lay
Giấu mỏ chờ thu im nhạn đó
Vùi yêu đợi kẻ lặng thơ này
Âm thầm lạnh mới tràn khăn cũ
Sợi khói nào luồn cho mắt cay.

Nhận xét của Quân Tấn:

Bài thơ phác họa được khung cảnh mùa đông với những: sương dày, phố đìu hiu ngủ, tường xao xác lay… Nhưng tôi thích nhất từ “nghịch” ở câu khởi đề. Nó phá vỡ những liên tưởng thường gặp khi miêu tả mùa đông: buồn, cô đơn… Như là một đốm lửa vùi trong băng tuyết. Vì thế nhạn im là để “chờ”; thơ lặng là để “đợi”. Không phải sự chờ đợi mỏi mòn vô vọng…
“Âm thầm lạnh mới tràn khăn cũ” hoàn toàn đủ hay để có thể đứng độc lập mình.




2) MĐ-14 : BỨC TRANH MÙA ĐÔNG

Phố đã quàng khăn đứng gọi mùa
Cây bàng cuối nẻo nhánh gầy khua
Mưa từ hạ trước còn dây nghịch
Gió tận thu nao vẫn sót đùa
Gác vắng chiều lên mờ khói vẩn
Thềm hoang tối đến đẫm sương lùa
Bên rèm thiếu phụ ngồi đan áo
Đứt sợi len tình chưa chỗ mua...

Nhận xét của Quân Tấn:

Bài thơ khá tròn trịa. Bức tranh mùa đông tương đối đủ sắc màu: Phố, cây bàng, mưa, gió, thềm hoang… Hình ảnh người thiếu phụ đan áo không mới nhưng điểm xuyến cho bức tranh mùa đông lặng lẽ một tia nhân khí. “Đứt sợi len tình chưa chỗ mua” là một nét lạ.




3) MĐ-15: CHỚM ĐÔNG

Nắng đã phai rồi...! Đông tới chưa?
Bàn tay run khẽ, lạnh giao mùa
Hàng cây lá rụng đìu hiu gió
Dãy phố ai về lất phất mưa
Khẽ rọi tầng mây tia nắng cũ
Buồn vương mái ngói hạt sương thừa
Mơ màng non nước bình yên nhỉ
Chẳng biết đông này có giống xưa

Nhận xét của Quân Tấn:

Bài thơ tròn trịa, đối chỉnh chu nhưng thi tứ khá nhạt. Thủ pháp nghệ thuật thì đạt nhưng cảm xúc thì nông. Hai câu kết làm hỏng mất bài thơ.



4) MĐ-16 : ĐÔNG SẦU

Trời gọi đông về lạnh giá thêm
Bao nhiêu kỷ niệm xốn xang tìm
Này sông gió rũ ngàn lau úa
Nọ phố mưa vùi một bóng im
Nắng ẩn vào mây hoa nắng lạc
Trăng lui tới biển mặt trăng chìm
Mình ôm đóa mộng ngày xưa ấy
Chẳng gợi mà sầu nặng trĩu tim.

Nhận xét của Quân Tấn:

”Trời gọi đông về lạnh giá thêm” Có nghĩa là trước đó đã lạnh rồi(!) Nỗi “sầu đông” này không đợi đến mùa đông mới có. Hai câu thực không nhiều sức gợi nhưng hai câu luận với hình ảnh: “hoa nắng lạc”; “mặt trăng chìm” lại hàm súc, cho ta nhiều liên tưởng.



5) MĐ-17: ĐỢI NGƯỜI XA

Bên đường cội sữa đã tàn hoa
Mèo lén tìm chăn ngủ góc nhà
Bến Bạc âu sầu sương trắng dãi
Sông Hồng nhàn nhạt nắng vàng pha
Anh đi mỗi dặm lòng tan nát
Em ngóng từng đêm lệ nhạt nhòa
Có lẽ năm nay trời lạnh sớm
Hong giường, ủ chiếu đợi người xa

Nhận xét của Quân Tấn:

Chờ đợi luôn là một cảnh giới tâm trạng dễ thành thơ.
Sáu câu thơ đầu vừa vừa. Hai câu kết hay hơn nhiều.


6) MĐ-21: KHẮC KHOẢI...

Lặng lẽ thu tàn chạm gót đông
Rồi mai bạn cũng bước theo chồng
Trăng hờn lãng đãng nằm ven phố
Lá rụng tơi bời dạt mé sông
Giã biệt tình xưa cùng pháo thắm
Từ ly bến cũ với đò hồng
Ai người bỏ lại hương mùa nhớ
Khắc khoải đêm này lắm kẻ trông

Nhận xét của Quân Tấn:

Lắm kẻ khắc khoải vì bạn bước theo chồng, nhiều quá nên khắc khoải cũng lễnh loãng đi.
Quá nhiều sáo từ: lãng đãng, tơi bời, pháo thắm, đò hồng… cũng làm cho khắc khoải không còn khắc khoải.




7) MĐ-23: GỞI CHÚT TÌNH

Chờ đông sao chẳng thấy đông sang
Trời vẫn trong xanh nắng vẫn vàng
Gốc rạ trơ trơ nhòm ruộng nẻ
Ngọn may hút hút xiết vườn quang
Ao xưa lặng lẽ lòng Yên Đổ
Nợ cũ eo sèo cửa Tú Xương
Thơ thả đôi vần khi hưỡn đãi
Chút tình xin gởi có ai mang

Nhận xét của Quân Tấn:

Đọc bài thơ này gặp nhiều người quen!
Thơ có khẩu khí (dù chỉ vay mượn) nhưng chút ngạo cốt ngụy tạo ấy lại bị bóc trần ở chữ “xin” của của câu kết: Chút tình “xin” gởi có ai mang.



8) MĐ-24: NỖI NHỚ MÙA ĐÔNG

Khi trời tuyết đổ lạnh tràn song
Nỗi nhớ quê hương cháy bỏng lòng
Rượu rót cô ly nào đủ ấm
Thơ làm lẻ đoạn khó vơi mong
Đèn chờ mẹ thắp hoe nương cải
Gót đợi em bày thẫm lối rong
Gánh nợ kim tiền xô tứ hướng
Nhìn mây xám phủ lệ chia dòng

Nhận xét của Quân Tấn:

Nỗi nhớ mùa đông thực ra chính là nỗi nhớ quê hương của người con tha phương cầu thực. Những cặp đối : cô ly/ lẻ đoạn còn vụng nhưng cái tình rất thực. Tiếc là câu kết buồn quá, không có lối thoát.



9) MĐ-25: NGƯỜI ĐÀN BÀ MAY ÁO MÙA ĐÔNG

Chiếc áo em may hẳn tặng chàng
Khi mùa giấu nắng cõng mù sang
Tơ hồng thấm nhớ này thoi quyện
Chỉ đỏ chan yêu đó sợi quàng
Đất khách sương mờ hoen mắt dõi
Quê nhà gió đậm trĩu tình mang
Cô phòng bóng đổ tàn canh vắng
Để hạt tương tư nặng mấy tràng …

Nhận xét của Quân Tấn:

Bài thơ hay, tròn trịa, các cặp đối khá tốt.
Cái tình mãnh liệt của người đàn bà được biểu hiện khá tinh tế
Từ “giấu” ở câu thừa đề đắc địa và tâm tư của người phụ nữ may áo đợi chờ gói trọn vào trong một chữ “giấu” này…
Tiếc là các sáo từ còn nhiều. Ở hai câu kết các sáo từ “cô phòng” “tương tư” làm lộ hết cả những điều muốn giấu. Nhưng lại không gợi được cho ta cảm giác cái tình cảm được chôn giấu đè nén kia nó đến hồi cao trào mạnh mẽ đến độ bung thoát ra không thể nào giấu được nữa…


10) MĐ-30: ĐÃ THẤY MÙA ĐÔNG

Chợt thấy mùa đông đến thật gần
Khi ngày gió lạnh phủ đầy sân
Bàng thay áo lá gầy xơ cội
Phố đội khăn mây lạnh xám tầng
Khắp nẻo màu quen chồn ánh mắt
Quanh đời dốc lạ mỏi bàn chân
Nắng chiều vội tắt ngoài song cửa
Vọng tiếng cô đơn gọi mấy lần

Nhận xét của Quân Tấn:

Bài thơ đọc thấy vừa vừa. Niêm luật đạt, đối cũng được, có chút lỗi điệp từ không cần thiết: gió lạnh, mây lạnh.
Định bỏ qua, cho điểm. Không ngờ hơi phân vân, đọc lại mấy lần chợt nhận ra bài thơ này có hai câu luận hay nhất trong số các bài dự thi. Sướng quá, cứ ngâm nga mãi. Cái triết lý ở cặp câu luận của bài thơ này, không phải người nhiều thăng trầm trong đời, khó tả được, cảm được, viết được như thế!


11) MĐ-36: CẢM ĐÔNG TÂY NGUYÊN

Ta nghe tiết lạnh thấm về buôn
Xứ núi Tây Nguyên lạnh lẽo buồn
Cá nước rùn vây chờ nắng nhạt
Chim trời dúm cánh gạt mưa suông
La đà khói rũ che tầm mắt
Lửng thửng trăng chìm khóc đáy sông
Cảm tác trầm tư đông tịch lắng
Không gian bất tận vọng hồi chuông!

Nhận xét của Quân Tấn:

Bài thơ này có chút đặc trưng riêng của một vùng đất. Nhưng tác giả chưa khai thác và thể hiện được tốt khung cảnh mùa đông của vùng đất này qua ngôn ngữ thơ.
Có nét Tây Nguyên nhưng thiếu hẳn cái thần, cái trầm hùng huyền bí của Tây Nguyên




12) MĐ-41: ĐÔNG VÔ VỌNG

Đông sầu lả gót lặng thầm tôi
Vỡ giấc Nam Kha mộng chẳng hồi
Mặc tuyết rơi đầy trơn ngõ hẹp
Nghe tình chất nặng buốt hồn côi
Thơ cời đốm lửa niềm tây trút
ý động buồng tim bản ngã trồi
Ngỡ phút tao phùng trong cõi thực
Mi hồng chợt úa nhạt nhòa môi

Nhận xét của Quân Tấn:
Mộng hay là thực? Rõ ràng tác giả biết mình đang mộng. Nhưng lòng vẫn mong nó là thực! Thà sống trong mộng còn hơn ngỡ là cõi thực. Người si nói mộng. Có thể lừa được người cũng không thể lừa được mình. Đau đớn thay! Và thế là thơ đã bật ra. Tiếng thơ hay tiếng lòng? Là thực hay là mộng đây? Tiếng lòng đau đáu đấy nhưng tiếng thơ chưa tròn...
Signature: Bỗng dưng Chúa giáng sinh tôi
Thì ra ở giữa đất trời có em
Trả lời với trích dẫn
The Following 14 Users Say Thank You to Quân Tấn For This Useful Post:
Cá chuồn (02-02-12), CM4Q (02-02-12), hoabeodai (02-02-12), hoatigon208410 (03-02-12), Lan Hương (02-02-12), Minh Đức (02-02-12), Nắng Xuân (03-02-12), nguyenxuan (12-09-14), Nhím con (02-02-12), phale (02-02-12), pumanew (02-02-12), Thu Phong (02-02-12), tra sua (02-02-12), VỀ MIỀN TRUNG (02-02-12)