Xem bài viết riêng lẻ
  #9  
Cũ 01-06-16, 08:20 PM
Avatar của buivhai
buivhai buivhai đang ẩn
Member
 
Tham gia ngày: Sep 2010
Bài gửi: 133
Thanks: 27
Thanked 260 Times in 93 Posts
Mặc định

Truyện 8: Ăn chay cũng không phải từ bi. Ăn thế nào đúng với Phật giáo Nguyên Thủy

Có gia đình nhà kia cả hai vợ chồng cùng theo đạo phật, tuy nhiên mỗi người lại hành pháp một kiểu khác nhau.

Anh chồng hàng ngày hay trì chú, đọc kinh, niệm phật, nhưng lại thường xuyên nhậu nhẹt. Chị vợ thì chăm chỉ ăn chay, chú tâm cầu nguyện, mong cứu người, giúp ta.

Mỗi khi thấy chồng nhậu nhẹt, chị vợ đều khuyên nhủ đủ điều, nặng có, nhẹ có, tuy nhiên mỗi lần nghe vợ khuyên, anh chồng lại ngâm nga:

“Cổ thi Phật Tổ để một phong,
Dạy khuyên tu miệng lẫn tu lòng,
Người nay tu miệng, lòng không sửa.
Bần tăng lòng sửa, miệng thì không”.

Ngâm xong anh chồng phán:

- Đấy, em thấy Tế Công nói chưa, tu là sửa lòng chứ đâu phải sửa miệng, anh là anh hành theo Tế Công.

Nói rồi anh ta cười hệch hệch. Chị vợ thấy thế thì cũng chẳng biết phải can ngăn thế nào, đành chú tâm cầu nguyện, mong tam bảo gia hộ độ trì cho mọi việc được êm xuôi.

Trong nhóm bạn nhậu của anh chồng cũng có nhiều người vì chuyện ăn nhậu mà gia đình lục đục, vì vậy mỗi khi thấy có tín hiệu dông tố sắp nổi lên ở đâu là anh chồng nhà đó lập tức được giục về. Tuy cũng có ý thức như vậy nhưng với cánh đàn ông thì chuyện ăn nhậu khó mà bỏ hẳn.

Một hôm trong nhóm bạn nhậu có một anh vợ bị bệnh nặng phải nhập viện, chị vợ hay tin liền dẫn con gái đi thăm.

Hai mẹ con lên thăm đúng lúc người bệnh được đưa ra xe để chuyển viện, chị vợ thấy vậy tất tưởi kéo tay con chạy theo. Đang chạy, bỗng nghe đứa bé hỏi:

- Mẹ ơi, như vậy có tính là báo ứng không?

Chị vợ nghe vậy ngẩn người ra, chị nghĩ: “Đành rằng việc mấy ông chồng nhậu nhẹt là xấu, nhưng gia đinh họ lại phải chịu báo ứng như thế thì cũng thật chẳng hay chút nào. Gia đình mình thì được tam bảo gia hộ, nhưng các gia đình khác thì sao? Cứ để mặc họ chịu báo ứng thì thật đáng thương”. Nghĩ mãi chẳng biết làm sao để giúp, chị vợ liền đi hỏi Tỳ Kheo.

Sau khi kể hết câu chuyện cho Tỳ Kheo nghe, chị vợ hỏi:

- Thưa thầy, chồng con ăn thịt, uống rượu, như vậy có sao không? liệu có thể đắc quả như Tế Công rượu thịt không?

Tỳ kheo trả lời:

- Việc ăn thịt thì Đức Phật vốn không cấm. Bản thân Đức Phật cũng không ăn chay. Bởi ăn chay và ăn mặn đều là nguyên nhân của sát sinh.

Một con lợn chết có thể làm mười mâm cỗ cho hàng chục người ăn. Nhưng khi người nông dân trồng lúa, cày ruộng sẽ làm chết hàng ngàn con sâu, con run. Khi lúa chín, để bảo vệ lúa lại phải diệt bao nhiêu chuột, ốc bươu vàng v.v.v, phải phun thuốc trừ sâu, trừ rầy, thêm hàng vạn con sâu, con rầy chết nữa mới có được mấy bát cơm cho một người ăn.

Sinh mạng chúng sinh là bình đẳng, vì vậy một con sâu sinh mạng cũng đáng trân trọng như một con lợn, bởi thế ăn chay không hề từ bi hơn ăn mặn.

Cho nên:

Tu chớ sửa mồm, phải luyện tâm
Nghĩ ăn -> hướng thiện -> ắt sai lầm
Thịt: hai gà chết -> đơm đầy cỗ
Cơm: vạn sâu toi -> xới vơi mâm
Đức Phật bác chay sao đạt đạo ?
Đề Bà chê mặn lại sa trầm !
Tùy duyên thọ thực, không coi nặng
Chân chính Tỳ Kheo, chẳng phải hâm

Chúng sinh khi hết nợ duyên kiếp này thì chuyển sinh kiếp khác, đó là bình thường. Chúng sinh chuyển sinh rồi, cái thể xác của nó chẳng liên quan gì nữa, người nào còn ôm lấy cái nỗi đau đã qua của chúng là ngu muội.

Việc chúng sinh bị giết chết trong quá trình làm ra thực phẩm cho con người là do nghiệp báo đã gây từ trước. Nghiệp báo của chúng sinh nào đã gây chúng sinh đó phải chịu, không thể tránh được. Chỉ có thể tránh tạo nghiệp thôi. Bởi quá khứ đã qua, không thể thay đổi. Chỉ có thể dùng hành động hôm nay mà thay đổi tương lai.

Để tránh người hành pháp gây nghiệp xấu và để phát triển tâm từ bi Đức Phật đã dạy ăn theo “tam tịnh nhục”. Đó là không nghe thấy con vật kêu khi bị giết, không nhìn thấy con vật bị giết, con vật không vì mình mà bị giết.

Không nghe, không nhìn thấy con vật bị giết thì tâm không động vì cái chết của nó, nó không vì mình mà bị giết thì mình không phải nguyên nhân gây nghiệp xấu, không phải chịu nghiệp xấu, vì vậy ba trường hợp đó người dùng được phép sử dụng thịt mà vẫn thanh tịnh vô tội.

Nhiều người thường nhầm, cho rằng mua thịt mổ sẵn bán ngoài chợ cũng là nguyên nhân gây nghiệp. Thực ra thịt hay các thực phẩm khác bán ngoài chợ thì người bán vì nhu cầu kinh tế của bản thân họ, họ mới bán, vì vậy bản thân người bán mới là nguyên nhân gây nghiệp.

Nếu cư sĩ đến nhà bạn chơi, để đãi cư sĩ người bạn cư sĩ giết thịt động vật, trường hợp này cư sĩ không được ăn.

Khi ăn cũng phải quán theo “tứ thanh tịnh giới”, coi thức ăn chỉ là dinh dưỡng, không chấp vào nó, như vậy mới không nhiễm trần.

Khi xưa Đề Bà Đạt Đa đã đề nghị tăng đoàn phải ăn chay, tuy nhiên do nhìn thấu bản chất ăn chay không phải là cách làm giảm nghiệp sát sinh nên Đức Phật đã bác bỏ đề nghị này.

Sau khi Phật nhập niết bàn có nhánh rẽ Bắc Tông chủ chương ăn chay, cho rằng ăn chay từ bi hơn ăn mặn, đó là do hiểu không thấu đáo nên đi lạc vào đường của Đề Bà Đạt Đa.

Bởi vậy:

Ăn gì cũng được chớ lưu tâm
Tỉnh táo cho mau kẻo bước lầm
Rau cứ cuốn gà, ô nhiễm dạ
Thịt không nghĩ lợn, thanh tao mâm
Quẩn quanh chay mặn, tham thêm nặng
Vướng vít ruột gan bệnh lại trầm
Tu ý chưa nên, suy mồm miệng
Đó là si quá, trở thành hâm

Ngừng một chút, Tỳ kheo tiếp tục:

Về ăn thịt Đức Phật không cấm, tuy nhiên uống rượu thì lại không được. Bởi người hành pháp luôn phải chú trọng thiền định. Đức Phật đã dạy trong kinh pháp cú rằng:

Tu thiền trí tuệ sinh
Bỏ thiền trí tuệ diệt …

Để tu thiền, trước hết phải đạt định. Giống như mặt hồ nước, khi phẳng lặng thì vật gì chiếu rọi vào cũng thấy đúng hình tướng, khi gợn sóng thì chiếu vật gì vào cũng biến dạng.

Để dễ hiểu hơn cho người mới thực hành thiền, cư sĩ có thể liên tưởng tới một hạt giống đang bị cuốn soay theo chiều gió, chưa bám vào mặt đất. Để có thể sinh sôi trước tiên phải làm cho gió không nổi lên nữa, hạt giống rơi xuống đất, bám vào đất, cố định rồi mới có thể nảy nở và sinh sôi.

Dân gian thường nói “an cư mới lạc nghiệp”, nghĩa cũng giống như vậy.

Rượu có tính nóng, uống vào cơ thể giống như một căn nhà đang mát mẻ mà ta châm lửa đốt nó lên, căn nhà sẽ nóng rực, áp suất thay đổi, khói lửa ngút trời, tàn tro bay tán loạn mịt mù.

Bởi vậy rượu là chất kích thích, làm loạn tâm, uống rượu vào tâm không tịnh. Cũng bởi vậy mà trong ngũ giới có cấm uống rượu.

Việc chồng của cư sĩ đưa chuyện Tế Công ra bao biện là do không hiểu rõ bản chất, bị tà pháp đưa đi nhầm đường.

Nếu tìm hiểu kỹ hơn thì sẽ hiểu con đường của Tế Công, cũng như nhánh rẽ Bắc Tông nói chung đều là sai lạc, trái với những điều phật dạy trong kinh nguyên thủy.

Kinh bắc tông là kinh giả được ngụy tạo, có dựa vào kinh nguyên thủy, nhưng lại hướng người học tới nẻo tà buông lung phóng dật, hoặc hướng người học sa vào cầu xin lệ thuộc trái với con đường tự thân tinh tấn, nỗ lực giải thoát chân chính mà Đức Phật dạy.

Để hiểu cách làm giả kinh này cư sĩ có thể tham khảo bí quyết nói dối của Vi Tiểu Bảo trong tác phẩm Lộc Đỉnh Ký của nhà văn Kim Dung. Trong đó có đúc kết lại bí quyết nói dối của Vi Tiểu Bảo là dựa một phần vào sự thật, nhưng chỗ quan trọng nhất thì biến tướng đi.

Đây cũng chính là cách nhánh rẽ Bắc Tông ngụy tạo kinh giả. Đầu tiên đưa một vài điều hay dễ hiểu mà phật dạy ra cho người đọc thấy đúng và khâm phục, sau đó đến chỗ quan trọng nhất thì biến tướng ý nghĩa sang hướng khác làm người học lạc đường.

Phật dạy:

Dù đọc tụng nhiều kinh
Tâm buông lung cẩu thả
Như kẻ chăn bò thuê
Khó hưởng sa môn quả

Hình ảnh Tế Công là một hình ảnh đại diện cho lối sống buông lung, cẩu thả, tuy nhiên lại được Bắc Tông thêm thắt vào nhiều truyền thuyết kỳ ảo, đề cao lên làm cho người sau loạn đường tu. Đây là một âm mưu vô cùng thâm độc nhằm phá hoại việc hành chánh pháp của phật tử, vì vậy không nên học theo mà sa vào tà đạo.

Nghe Tỳ Kheo nói xong, chị vợ hỏi:

- Vậy việc vợ người uống rượu bị quả báo do việc uống rượu của chồng thì làm sao để giúp. Tuy gia đình con nhờ tam bảo gia hộ mà không sao, nhưng thấy nhà họ bị như vậy thật không thể yên tâm được.

Tỳ Kheo trả lời:

Thực ra việc bị bệnh của người vợ hoàn toàn là do người vợ. Người vợ đó khi nhìn thấy chồng nhậu nhẹt có thể đã để sân hận nổi lên mà không xả bỏ được, khi sân hận nổi lên thì tâm bất tịnh, vì vậy phải gánh những điều khổ não. Phật dạy:

Tâm dẫn đầu các pháp
Tâm làm chủ tạo tác
Nếu nói hay hành động
Với tâm niệm bất tịnh
Khổ não liền theo sau
Như xe theo bò vậy

Cũng có thể do nghiệp kiếp trước của người vợ nên nay phải chịu. Còn về phần cư sĩ, do có biết phật pháp, biết dằn cơn phẫn nộ, dẹp một phần sân hận nên không gặp chuyện xấu. Phật dạy rằng:

Ai dằn cơn phẫn nộ
Như hãm xe đang lăn
Vị ấy đánh xe thật
Người khác phụ cương phanh.

Việc không gặp chuyện xấu đó hoàn toàn do kết quả của việc hành pháp của cư sĩ, không phải do chư phật gia hộ. Bởi Đức phật đã khẳng định rõ con đường đạo phật là con đường tự thân nỗ lực giải thoát, không nương nhờ tha lực:

Mẹ cha hay bà con
Không làm gì được cả
Chính nhờ tâm nguyện lành
Đưa ta lên cao cả.

Cầu xin là dựa dẫm, là tự trói mình vào thế lực khác, không phải giải thoát. Điều này giống như là vay nợ vậy, vay nợ thì phải trả cả vốn lẫn lãi cho chủ nợ, buộc mình vào với chủ nợ. Vì vậy cầu xin không phải là con đường giải thoát chân chính mà phật dạy. Cầu xin chính là con đường sai lạc mà nhánh rẽ bắc tông dựng lên để đưa người học phật đi sai đường.

Phật dạy trong Kinh pháp cú rằng:

Cả đời nay đời sau
Không vọng cầu thôi thúc

Cư sĩ muốn giúp người kia thì nên tìm dịp phân tích đúng sai cho họ tự thực hành, như vậy mới là cách giúp tốt nhất, các cách khác chỉ là chữa bệnh ở ngọn, không chữa gốc. Phật dạy:

Chính ta bảo vệ ta
Chính ta nương tựa ta …
Nhiễm tịnh do ta cả
Không ai thanh tịnh ai

Bùi Văn Hải​
Signature: Mời các bạn cùng tìm hiểu Phật Pháp chân chính tại đây
https://www.facebook.com/Ch%C3%A1nh-...0862700360256/
Trả lời với trích dẫn