NguyetVien


Trở lại   Nguyệt Viên > Entertainment - Vui Chơi Giải Trí > Nhiếp Ảnh
Nạp lại trang này Chụp ảnh chân dung

Thông Báo
Hướng dẫn cách đăng ký nick tham gia Nguyệt Viên
Cuộc thi thơ Đường Luật "Tình yêu 2020""
Lời cảm ơn và hình ảnh của chuyến đi "Thương về Miền Trung 2010"

Trả lời
 
Công cụ bài viết Kiểu hiển thị
  #1  
Cũ 21-11-11, 02:31 PM
phale phale đang ẩn
CM Nhị Thập Nhị Nguyên
 
Tham gia ngày: Apr 2010
Bài gửi: 24.803
Thanks: 45.829
Thanked 83.828 Times in 21.718 Posts
Mặc định Chụp ảnh chân dung

1. Khái niệm về ảnh chân dung

Cũng như các ngành văn học và nghệ thuật khác, ngành nhiếp ảnh đặc biệt quan tâm đến việc miêu tả con người, bằng ảnh, thông qua cái máy ảnh kết hợp với việc điểu khiển ánh sáng và sử dụng hoá chất ảnh.

Nhiếp ảnh là một nghệ thuật có tác dụng qua lại rất mật thiết giữa nội dung và hình thức, giữa tư tưởng và kỹ xảo. Trong nhiếp ảnh, ảnh chân dung là thể loại có sức thuyết phục đặc biệt, quan trọng bậc nhất của ảnh báo chí cũng như ảnh nghệ thuật, nên đòi rất nhiều công phu.

Nếu chụp ảnh chân dung chỉ là ghi lại hình ảnh một cách vô thưởng vô phạt, cốt làm sao ảnh cho sáng sủa, rõ nét, kể cũng chẳng có gì là khó vì chỉ cần hướng dẫn cách sử dụng máy và một số quy tắc sử dụng ánh sáng, đặt chỉ số ống kính, chỉ cần dăm phút thôi là ai cũng có thể chụp được. Nhất là ngày nay, những máy hiện đại, mọi dữ liệu đã được tính trước. Nhà nhiếp ảnh chỉ việc bấm máylà xong.

Một bức ảnh chân dung nghệ thuật vừa lột tả được cái vẻ bề ngoài của bộ mặt, vừa biểu hiện được thế giới nội tâm (tức tâm tư tình cảm của người được chụp) là một việc rất khó khăn, và càng khó khăn hơn nữa đối với nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam là phải thể hiện được hình ảnh của con người theo tâm hồn và phong cách Việt Nam đương đại.

Nghệ thuật và Kỹ thuật nếu không điêu luyện thì khi chụp không diễn tả được mục đích, không làm nổi bật được cái chính giữa, các mảng, chi tiết, rối ren lộn xộn, khó làm xúc động người xem, không mang đến cho người xem một tác động về tâm tư tình cảm và ý suy nghĩ, trong đó kể cả sự cảm thông với trạng thái người cầm máy nữa. Chụp ảnh chân dung là đi vào một trong những lĩnh vực khó nhất của nghệ thuật miêu tả, trong đó, tài năng của người cầm máy được thử thách rất học búa, khiến nhiều tay nghề đã từng phải “nếm” những thất bại chua cay. Đã có không ít tay nghề đeo đẳng ống kính từ buổi thiếu thời đến độ tóc đã hoa râm mà vẫn chưa chụp được bức chân dung nào có giá trị. Tuy nhiên, vẫn có người chỉ mới bước vào nghề với thời gian rất ngắn đã có nhiều bức ảnh đạt đến mức độ khiến mọi người phải khao khát.

Tóm lại, trong cái thể loại nhiếp ảnh, không có phương pháp biểu hiện nào hấp dẫn có ý nghĩa mạnh mẽ bằng phương pháp biểu hiện con người. Muốn nhận rõ sự phong phú và nhạy bén, phát hiện ra cái đẹp điển hình của con người ngày nay, phải tự nâng cao vốn sống, trình độ nhận thức, không chỉ ỷ lại, tự hào về kỹ thuật, mà điều quan trọng là nhờ lòng tin và niềm say mê hứng thú, mới đạt được những hình ảnh chân thật và nên thơ.

2.Thế nào là một bức chân dung giống ?

Tuy ảnh là một công cụ khoa học,nhưng vì khi chụp và làm ảnh còn có nhiều nguyên nhân khác tác động vào, khiến kiểu ảnh khó thuần nhất, thậm chí còn sai lệch khác hẳng đối tượng, nên đã nảy ra vấn để giống và không giống, nhất là trong lĩnh vực ảnh chân dung. Những nguyên nhà là trình độ kỹ thuật của con người và chất lượng của phương tiện sử dụng.

Tuy hai nguyên nhân kể trên có thể khắc phục được để sao chép ra những bức ảnh y hệt nguyên hình cảnh vật hoặc con người đã xuất hiện trước ống kính, nhưng đối với ảnh nghệ thuật, quan niệm về cái giống khác hẳn với sự rập khuôn máy móc.

Từ khi nhiếp ảnh thâm nhập cuộc sống và đã trở thành công cụ phục vụ đắc lực cho mọi lĩnh vực trong xã hội, ảnh được hình thành ra nhiều thể loại theo mỗi yêu cầu và tác dụng khác nhau.
Đối với các loại ảnh phục vụ cho việc nghiên cứu, ghi chép tư liệu thì cái giống của ảnh hoàn toàn đơn giản, không được thêm bớt, sáng tạo, nhưng đối với ảnh nghệ thuật có tác dụng cải tạo, khích lệ cuộc sống bằng cách phản ánh cho con người nhận thấy mọi vẻ đẹp của cuộc sống, nhất là những cái hay cái đẹp của con người - chủ nhân của sự sống - bởi vậy, người chụp ảnh nghệ thuật phải biết chọn, gạn lọc những đường nét điển hình, đặc sắc nhất trong từng vẻ đẹp và kết hợp vào đó là nhiệt tình sáng tạo cho nó có vẻ đẹp hấp dẫn hơn, miễn sao không bịa đặt giả tạo làm biến đổi hình thái hiện thực.

Giống và không giống đối với ảnh chân dung, chủ yếu là tập trung vào khuôn mặt con người hiện ra trong ảnh, mà đường nét tiêu biểu dễ xác nhận là đôi mắt, cái miệng và một số chi tiết nằm trong hình thể của bộ mặt; và dù nhà nhiếp ảnh có sáng tạo, miêu tả theo kiểu cách nào thì những nét cơ bản của gương mặt, cái miệng, cặp mắt vẫn khiến người xem ảnh dễ dàng nhận ra vẻ mặt quen thuộc như thực tế, không thể lầm người này với người khác, đó là một bức chân dung giống, mặc dù sự thật hình ảnh đã hiện ra duyên dáng hơn hẳn con người bằng da bằng thịt! Giống như thế có phải là sai sự thật không? Vì sao vậy?

Nghệ thuật tạo hình trong nhiếp ảnh cho phép ta giấu bớt những đường nét không mấy đẹp đẽ vào bóng tối và nâng vẻ đẹp lên mức độ hoàn mỹ cần thiết, nhưng không cho phép bất cứ thủ pháp nào làm thay đổi hiện thực khách quan của hình ảnh.

Không phải vì điểm tô thêm đẹp mà cố tình làm sai cả vẻ tự nhiên. Trừ những trường hợp đặc biệt cần sử dụng kỹ xảo Lg ghép để phục vụ cho mục đích nào đó, ảnh vẫn là một nghệ thuật phản ánh hiện thực cụ thể, không thể áp dụng bất cứ hư cấu nào theo kiểu hội hoạ. Đối với ảnh tin tức báo chí tuyệt nhiên không được Lg ghép cảnh vật này sang cảnh vật khác.

Có thể dùng cách chiếu sáng làm nổi bật nét tươi vui ánh lên trong khoé mắt và mọng lên những vành môi, duyên dáng thướt tha thêm nơi mái tóc, nhưng nếu sửa chữa thêm từ ảnh dịu hiền thành sắc sảo, cặp môi dày hoá mỏng, mái tóc chất phác thành yểu điệu lẳng lơ... là lạm dụng và như vậy làm ảnh mất giống, sẽ trở thành vô giá trị.

3. Ăn ảnh là gì?

Như trên ta đã xác định rõ là bất kể đối tượng nào được ống kính thu hình đều mong ảnh đẹp, và ngay chính bản thân những người dùng máy ảnh cũng chẳng ai lại muốn tác phẩm của mình bị đối tượng không ưng ý hoặc người xem chê bai. Nhưng bước vào thể hiện loại ảnh chân dung thường dễ xảy ra hiện tượng như sau:

Có những đối tượng nhìn ngắm ở thân hình và khuôn mặt chẳng thấy nổi bật vẻ gì là đẹp, mà được ống kính thu hình ở bất kỳ trường hợp nào, hoàn cảnh nào, điều kiện nào đều thấy ảnh rất đẹp, không những ảnh rất giống từ đặc điểm hình thể đến phong cách mà còn thể hiện đầy đủ cả nội tâm, có khi lại đẹp hơn, chân thực vì nó mang tính chất điển hình.

Nhưng ngược lại, có những đối tượng thuộc vào loại đẹp cả người lẫn nét, khuôn mặt và thân hình cân đối, nổi bật nhiều đặc điểm, ưa nhìn mà chụp ra ảnh thì lại chẳng thấy một nét nào hấp dẫn khiến các tay cầm máy rất vững cũng thấy khó khăn, công phu xoay sở đủ cách may ra mới thể hiện được kiểu ảnh ưng ý.

Kể cả trong giới nhiếp ảnh và đông đảo quần chúng yêu thích ảnh đều khẳng định hiện tượng này là do vấn đề "ăn ảnh" rồi dựa vào những hiện tượng đã xảy ra để suy diễn thành nhiều quan niệm như:

- Người nào có vẻ ưa nhìn, có thân hình cân đối, nét mặt xinh xắn, phong cách hài hoà là ăn ảnh.

- Hoặc ai dễ bộc lộ tình cảm như diễn viên đều rất ăn ảnh v.v...

Những hiện tượng người này ăn ảnh hơn người kia không phải là không có.Các nhà nhiếp ảnh lão thành cũng phải thừa nhận có những đối tượng rất khó thể hiện chân dung, và từ thực nghiệm người ta đã phát hiện ra rằng những nhân vật được liệt vào loại không ăn ảnh không phải vì màu da, nét mặt họ kỵ ống kính mà thường do hai nguyên nhân thuộc về trạng thái như:

- Không giữ được nét tự nhiên khi ống kính máy ảnh chĩa vào, chính vì sự gò ép làm cho tình cảm của họ khó bộc lộ ra đúng như lúc bình thường.

- Loại người rất ít bộc lộ tình cảm ra nét mặt, hoặc mỗi khi bộc lộ cũng chỉ trong khoảnh khắc là tắt ngấm ngay.

Do đó nếu không để cho họ được thoải mái tự nhiên, hoặc không tranh thủ bấm máy kịp thời, đúng lúc thì dù tốn đến bao nhiêu phim vẫn chỉ được những kiểu ảnh cứng đơ, ngây ngô như tượng gỗ, làm sao mà miêu tả được vẻ đáng yêu của họ để bức ảnh trở thành tác phẩm chân dung.

Muốn thể hiện ảnh chân dung đạt yêu cầu với đối tượng này, nhà nhiếp ảnh phải tốn công phu đi sâu tìm hiểu rõ trạng thái diễn biến tình cảm đặc biệt của họ, kết hợp thủ pháp chuyên môn với việc tạo điều kiện cho phù hợp, và việc quan trọng trong thể chểnh mảng là phải tìm mọi cách bám riết, rình cơ hội thuận lợi để kịp thời "chộp" gọn mới đảm bảo thành công. Khó khăn trong thủ pháp này là những khoảnh khắc thuận lợi cho ta bấm máy đâu phải lúc nào cũng đầy đủ các điều kiện tạo hình, bố cục sẵn sàng theo ý muốn của đề tài. Việc "ăn ảnh" hay không chính là như vậy nhưng nói như vậy không có nghĩa bó tay. Với nhiệt tình vì nghệ thuật, nếu chúng ta chịu khó tìm hiểu tâm lý con người, giữ được quyết tâm bền bỉ kiên nhẫn, khéo léo kết hợp thủ pháp chuyên môn với việc bấm máy kịp thời, thì dẫu gặp đối tượng "khó ăn ảnh" đến mấy vẫn có thể thực hiện theo ý định.

4. Thể hiện nội tâm trong ảnh chân dung nghệ thuật.

Muốn hình ảnh con người thật giống hoặc trẻ ra, mọng và tươi thắm lên không phải là khó đối với người có trình độ kỹ thuật nhiếp ảnh thành thạo. Nhưng chỉ lột tả được đầy đủ cái vẻ giống bề ngoài của con người chưa phải là thể hiện một bức chân dung hoàn chỉnh, vì nghệ thuật không phải là sự sao chép đơn thuần, mà chính là sự chuyển hoá từ người mẫu thành hình tượng nghệ thuật, tức là dùng hình thức để diễn tả nội dung, mục đích của tác phẩm trong đó nhà nhiếp ảnh bộc lộ tâm tình và bản lĩnh của mình.

Nhiệm vụ chính của ảnh chân dung thực đối với hoạ sĩ cũng như đối với nghệ sĩ nhiếp ảnh là biểu hiện cho được không chỉ giống ở bề ngoài mà còn phải khám phá cho được cái thế giới bên trong của con người bằng phương tiện tạo hình

Muốn như vậy trước hết nhà nhiếp ảnh chân dung phải làm quen với nhân vật định thể hiện, tìm hiểu tâm tư họ, hoà mình với họ, yêu mến họ, kiên nhẫn chờ đợi thời cơ, và nhạy cảm kịp thời phát hiện những nét độc đáo có thể chỉ thoáng qua một lần trên bộ mặt đối tượng để "chộp gọn" lấy bằng trình độ kỹ thuật chính xác. Ngoài ra lại cần biết khêu gợi kích động để biểu lộ những tình cảm thầm kín của đối tượng khi cần thiết, khiến cho nó bộc lộ ra một cách tự nhiên, chân thật. Đó là trách nhiệm của nhà nhiếp ảnh nghệ thuật đối với nhân vật, ví như nhà thơ tiếp xúc, gần gũi quần chúng để gợi cảm, tìm hiểu, cô đúc, chuẩn bị cho đề tài sáng tác. Còn chính bản thân tác giả của tác phẩm ảnh chân dung cũng không nên bắt ống kính phải thu hình một cách gượng ép, chụp bằng được phải tự tạo lấy niềm hứng thú để phát huy sáng tạo và khi đã xúc cảm phải dồn hết tâm tình, tài năng vào việc thể hiện một cách nhiệt tình như nhà thơ đã lựa chọn được tiêu đề cần tranh thủ mọi cảm xúc dồn ra ngòi bút. Có như vậy mới kịp thời giành được khoảnh khắc quý báu và mới thể hiện được tác phẩm thực tế, chân thật, ảnh là một nghệ thuật miêu tả trực diện và chính xác nhất.

Trong việc miêu tả con người ảnh chân dung phải biểu hiện được cá tính, nhân cách, diễn đạt được thế giới nội tâm của nhân vật mới đạt yêu cầu của nghệ thuật. Đó là đòi hỏi của nghệ thuật nhiếp ảnh trong xu thế vươn lên ngang tầm với các ngành nghệ thuật khác.

Chụp chân dung mà biểu lộ được thế giới nội tâm của đối tượng tức là đã trang bị thêm phần hồn cho bức ảnh. Một bức ảnh có hồn nghĩa là từ những đường nét của người trong ảnh nổi bật sức sống chân thật, khiến khi người ngắm ảnh có cảm giác như người trong ảnh đang tỏ thái độ, tâm sự với ta, gợi cho ta thấy như đang tiếp xúc với người bằng da bằng thịt, đòi ta phải lắng nghe tâm tình của họ. Đây là vấn đề đòi hỏi đến cảm xúc, kết hợp với tài hoa của tác giả.

Trong ảnh chân dung cũng như trong hình thể con người, đôi mắt, cái miệng và hai bàn tay là những bộ phận quan trọng nhất để bộc lộ thái độ và tình cảm. Đó là các trọng điểm cần tập trung miêu tả.

4.1.Về đôi mắt

Ảnh chân dung có giống, có đẹp, đạt yêu cầu nghệ thuật hay không là do các đường nét thể hiện trên khuôn mặt quyết định và trong toàn bộ gương mặt, đôi mắt là mực thước tiêu biểu nhất của tâm hồn.

Qua đôi mắt người ta dễ dàng phát hiện rõ tâm tư, tình cảm, hiểu được từng niềm vui ánh lên tươi tắn, nỗi buồn rầu đau khổ trong vành mi trĩu nặng xỉu xuống, hoặc sự căm thù giận dữ làm giãn đồng tử, chau lông mày.

Cũng từ đôi mắt dễ nhận rõ sự thương yêu trìu mến của người mẹ, thái độ nghiêm khắc của người cha, lòng quyết tâm của người chiến sĩ, vẻ phấn chấn hồ hởi sau khi hoàn thành nhiệm vụ, khát vọng, hoài bão, sự cầu cứu, van lơn... Tất cả mọi điều thầm kín nhất đều rực lên hoặc đọng lại trong khoé mắt.

Nhà nhiếp ảnh phải biết phân biệt cho rành rõ, tạo hình thích hợp, nhạy bén với những vẻ phát lộ tiêu biểu từ tâm trạng nhân vật mới bấm máy đúng khoảnh khắc ánh lên từ đôi mắt.

Có người thường tránh không để đối tượng nhìn thẳng vào ống kính máy ảnh bất kỳ ở kiểu cách nào. Tất nhiên là có những kiểu ảnh không thể đòi hỏi đối tượng nhìn vào ống kính được, nhưng nếu mọi trường hợp đều áp dụng như vậy là rập khuôn máy móc, dễ làm cho sự biểu lộ đôi mắt bị hạn chế, thậm chí có khi còn giảm thiểu nhiều tác dụng hoặc phản lại ý đồ miêu tả của người chụp.

Chụp người đang hoạt động dĩ nhiên là tầm mắt bắt buộc phải hướng vào phía có sự việc liên quan, nhưng chụp người đang ở trạng thái tĩnh, không có bối cảnh nào cần thiết phải cho đối tượng hướng về đó, sao lại không thể cho đôi mắt họ nhìn thẳng vào ống kính, để mắt người trong ảnh bắt gặp ánh mắt người xem ảnh, có dễ gây ra sự lôi cuốn thu hút hơn không ? Chính nhờ ánh mắt gặp nhau dễ tạo ra sự hấp dẫn, giao lưu tình cảm giữa người trong ảnh với người xem. Ngay bản thân chúng ta, vì thử khi nhận được một bức chân dung của người thân yêu lâu ngày xa vắng mà nhìn thấy mắt trong ảnh chiếu thẳng vào ta, đố ai không ít nhiều xúc động, và như cảm thấy người thân đang gửi ánh mắt vào trong ảnh những nỗi niềm tuỳ theo liên tưởng ở mỗi lúc ta ngắm nhìn.

Đôi mắt thật sự là sâu sắc, thật là cởi mở, thật là nồng cháy, diệu kỳ. Bức chân dung có hồn hay không phần lớn là do sự diễn tả về đôi mắt.

4.2.Về cặp môi

Sau cặp mắt phải nói đến cái miệng, mà chính là vành môi. Tình cảm do cặp môi biểu hiện ''ăn khớp đồng bộ'' với đôi mắt. Hai bộ phận phối hợp hữu cơ với nhau. Mắt nổi giận ắt miệng chúm lại hay vành môi mím lại. Mắt dịu dàng trìu mến thì vành môi giãn dài ra làm môi căng dài sang hai bên, mắt buồn thảm thì cặp môi chỉ chực méo xệch, mắt dịu dàng ưng thuận thì môi như muốn hé mở, mắt ngơ ngác kinh ngạc thì miệng dễ mở rộng thành há hốc v.v...

Có những cặp môi thể hiện rất rõ tâm tính con người như: nũng nịu, nồng cháy trên nét mặt, chúm chím như nụ hoa chớm nở và chín mọng ngọt ngào ở miệng ấu thơ, hay đồng bộ cùng khoé mắt đưa tình; chề bỉu cong cớn của kẻ đanh đá dành hanh; bĩu ra khinh bỉ của kẻ tự cao tự đại, coi thường người khác...

Có khi chỉ cần đặc tả từ vành mũi trở xuống hết cái cằm, xem ảnh cũng có thể hình dung được phần nào tính nết người trong ảnh nếu tác giả khó lột tả đường nét.

4.3.Về đôi bàn tay

Khi đôi mắt cái miệng được coi như cặp bài trùng, gắn với nhau như hình với bóng? Thì kẻ thứ 3: hai bàn tay được coi là yếu tố phụ - nhưng chính chúng cũng góp một phần đáng kể làm cho bức ảnh chân dung thêm sinh động và hấp dẫn, tuy là yếu tố phụ nhưng chớ coi thường. Phải nghiên cứu hình dáng, tư thế, màu sắc và vị trí cho chúng, đừng để chúng làm ảnh hưởng hoặc át mất tình cảm của nét mặt, nhưng cũng đừng làm cho chúng thành ngượng nghịu hoặc thừa không biết giấu đi đâu.

Đến đây chắc nhiều Bác tự đặt câu hỏi: Cái gì mình ấn tượng nhất, thường là thứ mình ngắm nhìn đầu tiên, và đó mới là cái ấn tượng nhất của bức ảnh chứ ? Các cuộc thăm dò, điều tra trên thế giới đều cho cùng một kết luận là đàn ông chúng ta khi gặp một người phụ nữ, bộ phận mà chúng ta ngắm nhìn đầu tiên và để ý nhất là đôi mắt (theo trường phái cổ điển) và một thứ khác (theo trường phái hiện đại) không phải là miệng hay tay . Là cái gì thì mỗi Bác tự có kết quả nhé, đây chỉ là sự gợi ý mà thôi...

Trong các nguyên nhân về sự thất bại của ảnh chân dung, một phần cũng do hai bàn tay vô vị, cứng đơ như gỗ, như kẻ mất hồn.

Nhà đạo đức học Montaigne người Pháp rất nổi tiếng về tài viết tiểu luận đã tả đôi tay rằng: ''ở đôi tay ư ? Chúng van xin, hứa hẹn, kêu gọi, xua đuổi, doạ nạt, thách thức, nịnh hót, chế giễu...''

Việt Nam ta có câu: ''Khôn ngoan hiện ra nét mặt, què quặt hiện ra chân tay". Nghĩa què quặt ở đây là nói bóng về sự vụng về. Nội tâm của con người, nhiều khi ánh mắt, cặp môi thể hiện ra chưa đủ, mà còn nhờ thêm sự bộc lộ của đôi tay mới diễn đạt đủ ý tứ của thái độ và tâm trạng: ngón tay cái ưỡn cong vươn lên rõ ràng là một dấu hiệu giao ước bảo đảm; ngón tay trỏ chĩa thẳng yàơ đối phương là cả một hành động khinh miệt, vạch mặt chỉ tên, hoặc gí sát trán ai là hiện tượng chua ngoa sấn sổ. Khi đắn đo tính toán, lao lung suy nghĩ ta thường gõ đầu hai ngón tay; khi tức giận thế nào cũng nắm chặt, nổi gân guốc và khi cảm động thế nào bàn tay cũng thấy run run...

Một số nhà nhiếp ảnh nổi tiếng đã dành thì giờ để ghi lại các dáng điệu, tư thế thân thường, tháo vát và gợi cảm của đôi tay trong các công việc hàng ngày của đời sống nhân dân. Nhiều khi xem điện ảnh hoặc xem biểu diễn sân khấu chúng ta có dịp được chứng kiến những điều mà đôi tay có thể nói thay lời được, mặc dầu đôi khi có vẻ cường điệu; nhưng ''không ai có thể cấm sự cường điệu theo hướng của sự chân thật''

Cũng như bất cử người nghệ sĩ nào, nhà hội hoạ không thể chỉ vẽ một cách bình thường cái dáng dấp bên ngoài của đối tượng mà còn phải phản ánh cho được mối quan hệ của mình với nhân vật ấy, nếu không như vậy thì những sáng tác của họ làm sao thuyết phục nổi quần chúng ngoài tấm vải thô được bôi màu trên giá vẽ!

Người nghệ sĩ chụp ảnh chân dung hoàn toàn không phải chỉ giới thiệu cái vật chất bên ngoài của nhân vật mà trước hết cần giải thích cho được cái thế giới nội tâm của họ. Trong lúc tái hiện hình dáng một con người cụ thể bằng những phương tiện kỹ thuật nhiếp ảnh, nhà nhiếp ảnh chân dung nghệ thuật còn phải biểu hiện cả sự hiểu biết của mình về tính cách của con người mình chụp, hay nói cách khác người nghệ sĩ nhiếp ảnh không thể là hoạ sĩ dửng dưng.

Chụp riêng bộ ảnh về đôi bàn tay đối với người yêu thích nhiếp ảnh cũng là một đề tài hấp dẫn, chẳng hạn với những nghề như thêu, tuồng, chèo... Bác nào thử chụp nhé!

(St)
Trả lời với trích dẫn
The Following 4 Users Say Thank You to phale For This Useful Post:
hoatigon208410 (21-11-11), mimosa (21-11-11), nghangvu (01-06-12), VŨ AN (26-11-11)
Trả lời


Quyền viết bài
Bạn không thể gửi chủ đề mới
Bạn không thể gửi trả lời
Bạn không thể gửi file đính kèm
Bạn không thể sửa bài viết của mình

BB code đang Mở
Mặt cười đang Mở
[IMG] đang Mở
HTML đang Tắt

Chuyển đến


Múi giờ GMT +7. Hiện tại là 08:55 AM

© 2007 - 3.8.7 - BQT không chịu bất cứ trách nhiệm nào từ bài viết của thành viên.