NguyetVien


Trở lại   Nguyệt Viên > Vườn Thơ > Thơ Quán
Nạp lại trang này Tài NÓI LÁI trong thơ VÕ QUÊ

Thông Báo
Hướng dẫn cách đăng ký nick tham gia Nguyệt Viên
Cuộc thi thơ Đường Luật "Tình yêu 2020""
Lời cảm ơn và hình ảnh của chuyến đi "Thương về Miền Trung 2010"

Trả lời
 
Công cụ bài viết Kiểu hiển thị
  #1  
Cũ 31-12-11, 04:02 PM
Avatar của Hansy
Hansy Hansy đang ẩn
Member
 
Tham gia ngày: Oct 2011
Bài gửi: 4.508
Thanks: 454
Thanked 5.204 Times in 3.374 Posts
Mặc định Tài NÓI LÁI trong thơ VÕ QUÊ

TÀI NÓI LÁI
trong thơ
VÕ QUÊ

Trần Hoàng Nhân


***


Thoạt đầu người đọc những vần thơ lái của Võ Quê sẽ cười vui vì nghệ thuật chơi chữ hóm hỉnh. Về sau, độc giả sẽ ngấm thêm nhân tình thế thái mà tác giả muốn gửi trao.
"Chưa về nhắm rượu làng Chuồn/ Chưa nghe thơ lái sao buồn Võ Quê" là câu "ca dao mới" được giới văn nghệ sĩ truyền miệng nhau về hai món "đặc sản": rượu làng Chuồn và nhà thơ Võ Quê của xứ Huế với biệt tài nói lái trong tác phẩm của ông.

Nhà thơ Võ Quê sinh ra tại làng Chuồn (An Truyền, Phú An, Phú Vang, Thừa Thiên Huế). Từ xưa làng Chuồn đã nổi tiếng vì rượu ngon khắp chốn kinh kỳ. Nay, các bài thơ nói lái của của Võ Quê góp thêm "đặc sản" cho cố đô. Khoảng hơn mười năm nay, Võ Quê làm thơ dạng này "xuất bản miệng" và được nhiều bạn yêu thơ lưu truyền. Mới đây, NXB Văn học ấn hành tập thơ Ngược xuôi thế sự với gần 50 bài thơ lái của Võ Quê.

Thế sự trong thơ

Nhắc đến Võ Quê, người yêu thơ biết đến ông từ những năm 60 thế kỷ trước. Khi Võ Quê góp mặt trong phong trào sinh viên tranh đấu ở đô thị miền Nam, từng bị chế độ cũ bắt tù Côn Đảo. Sau này, Võ Quê làm Chủ tịch Hội Văn hóa nghệ thuật Thừa Thiên Huế, rồi đại biểu Hội đồng Nhân dân tỉnh. Dù làm gì, Võ Quê vẫn luôn là một nhà thơ biết yêu quý và kế thừa những tinh hoa của dân gian truyền lại. Ông chính là một trong những người góp phần khôi phục và phát triển nghề ca Huế trở thành một thương hiệu quốc tế. Võ Quê làm thơ lái cũng là một hình thức kế thừa vốn quý của dân gian.


Bìa tập thơ mới nhất của Võ Quê.

Năm 1999, khi Huế hứng chịu trận lụt kinh hoàng, trước nỗi tan thương ấy, Võ Quê sáng tác bài thơ với những từ nói lái đầu tiên trong đời ông: "Trời lụt ca nhi cũng trụt lời/ Trời đong mưa lũ xuống trong đời/ Vái lạy lụt tan lành váy lại/ Đời cho du khách dạo đò chơi”. Ở bài này, Võ Quê “lái thơ” trong từng câu, như “trời lụt - trụt lời”, “đời cho - đò chơi”, “trời đong - trong đời”… Sau khi “trời lụt ca nhi cũng trụt lời” được bạn đọc hoan nghênh truyền miệng, Võ Quê cứ thế “tiến lên thơ lái”, mà ông gọi vui là “thái lơ”.

"Thái lơ" Võ Quê trong Ngược xuôi thế sự bám theo tính thời sự đang diễn ra, đa phần là chuyện buồn nhưng ông đã nhìn dưới góc độ cười để mà đau, cười để hóa giải sự đời éo le. Thế sự trong thơ lái Võ Quê bám sát vào thực tế đời sống chứ không “vịnh lá tả hoa”, “tâm hồn treo ngược cành cây” chút nào.

Khi vật giá leo thang hay xăng dầu tăng giá trước sự bức bối về sinh kế của người dân, Võ Quê có thơ lái: “Dầu xăng tăng giá dạ giăng sầu/ Đầu tiên trăn trở bạc tiền đâu/ Giật gấu vá vai theo vật giá/ Thâu đêm nhức nhối nghĩ thêm đau!” hoặc “Vật giá leo thang gạo lỏng nồi/ Nỗi lòng xa xót bạn nghèo ôi!/ Ngồi eo sèo với bao gian khó/ Gió khan đắng họng tái tê đời’. Ở bài thơ đầu, Võ Quê “lái thơ” trong từng câu, như: “dầu xăng - giăng sầu”, “đầu tiên - tiền đâu”... Bài sau ông “lái thơ” theo kiểu “bắc cầu”, hai chữ cuối câu trên được lái bằng hai chữ đầu câu dưới, như: “lỏng nồi - nỗi lòng”, “gian khó - gió khan”…

Thoáng đầu người đọc thơ lái Võ Quê sẽ cười vui vì nghệ thuật “chơi chữ” hóm hỉnh, nhưng sau sẽ ngấm thêm “nhân tình thế thái” mà tác giả muốn gửi trao. Chẳng hạn như bài ông viết về nạn tham nhũng: “Lần vô danh lợi hại dân lành/ Tranh thùng, tranh thủ mới trung thành/ Đầy tớ vét tiền bao tờ đấy/ Giành nhau tham nhũng chúng giàu nhanh”.

Cười cho đời thêm tươi

Nói lái trong tiếng Việt được phát triển lâu nay trong dân gian và được một số nhà thơ dùng kiểu "chơi chữ" này đưa vào thơ. Nữ sĩ Hồ Xuân Hương từng viết: "Hỏi thăm sư cụ đáo nơi neo", "Trái gió cho nên phải lộn lèo"… Trước Võ Quê, ở Huế thời Pháp thuộc có cụ Thảo Am Nguyễn Khoa Vi cũng là một cây "lái thơ" nổi tiếng. Đến nay dù chưa in thành tập, nhưng thơ lái của cụ Nguyễn Khoa Vi còn được truyền miệng, như: "Thầy tu mô Phật cũng thù Tây".


Nhà thơ Võ Quê
.
Hiện nay, ngoài Võ Quê ở Huế, tại TP HCM cũng có một nhà thơ "lái giỏi" là Nguyễn Thái Dương, dù thơ ông chỉ "xuất bản" qua tin nhắn điện thoại để bạn bè "xả xì trét".

Nhân dịp ngày Quốc tế thiếu nhi 1/6 vừa qua, Nguyễn Thái Dương nhắn tin tặng các ông bố bài thơ Lời trẻ thơ, sau này bạn bè đổi lại thành Mực ngóntức "món ngực" cho phù hợp với nội dung: “Mực ngò, mực ngó, mực ngằn/ Mực, bao nhiêu mực chẳng bằng mực nghi/ Chao ôi bất luận mực gì/ Vẫn thua mực ngút li bì sớm hôm”. Bài thơ này được Nguyễn Thái Dương nhắn tin kèm câu “cảnh giác”: “Làm cha mà mê “mực ngón” quá thì con sẽ không có sữa để uống đâu”. Những chữ in nghiêng được nhà thơ dùng để “nói lái”, còn việc “thanh hay tục” là tùy cảm nhận của mỗi người, chỉ biết rằng rất nhiều ông bố nhận được bài thơ này và thuộc nằm lòng để cảnh giác mình “chớ mê mực ngón”.

Có nhiều câu chuyện về nói lái được lưu truyền trong dân gian. Chẳng hạn như giai thoại cụ Nguyễn Khuyến cho chữ một ngôi đền kế bên làng Yên Đỗ bị bà hỏa viếng thăm. Cụ Nguyễn Khuyến vẽ một chữ giống như cái chày dựng đứng nên gọi là "chày đứng" tức "đừng cháy".

Tính hài hước, giễu nhại trong thơ lái cũng như nói lái giúp người đọc cười chút cho đời thêm tươi. Trong thời buổi đồng lương chạy theo vật giá hụt hơi, tôi than với một người bạn hay nói lái: “Kiểu này sống không nổi”. Bạn tôi hỏi: “Lâu nay sống nhờ gì?”. Tôi nói: “Sống nhờ lương chứ sống nhờ gì”. Bạn tôi cười lớn: “Sống nhờ lương là "sướng nhờ lông", vậy còn than thở gì nữa”. Nghe bạn nói lái tôi cũng cười theo và thấy đồng lương công chức còm của mình cũng không đến nỗi nào, còn sướng hơn công nhân ở các khu công nghiệp.

Nói lái, thơ lái vui, hay là thế, nhưng tiếc rằng “thơ lái” ở ta vẫn chưa nhiều để mọi người ngâm nga cho đời bớt khổ. Do thơ lái còn hạn chế người làm, có lẽ do khó làm, nên tập thơ Ngược xuôi thế sự của nhà thơ Võ Quê là một cuốn sách nên tìm đọc để bớt căng thẳng trong cuộc đời vốn có nhiều chuyện nghiêm trọng này.

Lời bợm nhậu

Một chai mai chột, coi chừng!
Nhị chai nhai chị tưng tưng ngà ngà
Ba chai là bai nghe cha!
Bốn chai cẩn thận kẻo mà bái chôn
Ngũ chai ngai chủ hùng hồn
Sáu chai sai cháu bếp cồn luộc tôm!


Võ Quê



TRẦN HOÀNG NHÂN
Trả lời với trích dẫn
The Following User Says Thank You to Hansy For This Useful Post:
Nhím con (01-01-12)
Trả lời


Quyền viết bài
Bạn không thể gửi chủ đề mới
Bạn không thể gửi trả lời
Bạn không thể gửi file đính kèm
Bạn không thể sửa bài viết của mình

BB code đang Mở
Mặt cười đang Mở
[IMG] đang Mở
HTML đang Tắt

Chuyển đến


Múi giờ GMT +7. Hiện tại là 09:42 PM

© 2007 - 3.8.7 - BQT không chịu bất cứ trách nhiệm nào từ bài viết của thành viên.