NguyetVien


Trở lại   Nguyệt Viên > Vườn Văn Học > Giới Thiệu Tác Phẩm > Cảm Nhận - Phê Bình
Nạp lại trang này Bình thơ Huỳnh Thuý Kiều- Nguyễn Trí Hiếu

Thông Báo
Hướng dẫn cách đăng ký nick tham gia Nguyệt Viên
Cuộc thi thơ Đường Luật "Tình yêu 2020""
Lời cảm ơn và hình ảnh của chuyến đi "Thương về Miền Trung 2010"

Trả lời
 
Công cụ bài viết Kiểu hiển thị
  #1  
Cũ 16-06-14, 12:48 AM
hieua hieua đang ẩn
Member
 
Tham gia ngày: Dec 2010
Bài gửi: 691
Thanks: 87
Thanked 813 Times in 519 Posts
Mặc định Bình thơ Huỳnh Thuý Kiều- Nguyễn Trí Hiếu

Những dòng sông trong thơ Huỳnh Thúy Kiều
Nguyễn Trí Hiếu

"Dòng Mê Kông rướn mình quặn thương bốn mùa sinh nở". Ôi! Đọc câu thơ lên mà bao nhiêu đau xót. Phải là người gắn bó với những con sông như Huỳnh Thúy Kiều mới có thể viết được những câu thơ như vậy. Ta biết dòng sông Mê Kông chạy qua rất nhiều nước, từ thượng nguồn Trung Quốc, đến Lào, Thái Lan, Cam-phu-chia, rồi đổ ra qua các cửa biển của Việt Nam . Ở câu thơ này Huỳnh Thúy Kiều đã dùng những từ ngữ mang tính nhấn mạnh như "rướn", "quặn thương". Chị muốn nói với chúng ta rằng: Sông Mê Kông dù có chảy qua bao nhiêu nước vẫn ưu tiên Việt Nam nhất. Mẹ MêKông luôn ngóng trông tới chín nhánh Cửu Long. Từ thượng nguồn mẹ đã bao nhiêu đau xót, rách ruột gan, chở phù sa cho vùng đất miền Tây này, để bạt ngàn hoa trái bốn mùa, để cho lúa non "ngậm sữa dậy thì".
Đúng vậy, những con sông trong thơ Huỳnh Thúy Kiều đã là hình tượng khó phai trong lòng độc giả. Nghĩ đến con sông, nó còn gợi cho ta những khung cảnh với những cánh diều bay phấp phới trên đê, hay những đứa trẻ nghịch ngợm ra sông tắm...Sông còn gắn liền với nông thôn Việt Nam, cùng với lũy tre làng góp phần tạo nên những truyền thống đánh giặc giữ nước, với người anh hùng Thánh Gióng, với trận Bạch Đằng nổi danh trên sử sách... Sông còn gắn bó với những kí ức, những kỉ niệm, những nỗi nhớ... Và, khi buồn hay khi muốn ngẫm về một điều gì đó, người ta thường ra bờ sông ngồi, vì đó là một nơi thoáng mát và yên tĩnh. Đây cũng là những nơi hẹn hò của bao nhiêu những cặp uyên ương. Với lãnh thổ hình chữ S của Việt Nam, có một hệ thống sông ngòi dày đặc, đã là nguồn cảm hứng vô tận cho các văn thi sĩ, nghệ sĩ thỏa mình sáng tạo. Và, thật sự đã có rất nhiều nhà thơ, với những bài thơ thành công như: Huy Cận, Hàn Mặc Tử, Tố Hữu, Hoàng Cầm... Với những không gian "sông dài, trời rộng", với cái cái thực-ảo của "bến sông trăng" với cái "man mác" của "mái nhì "trên sông Hương", với "sông Đuống cuồn cuộn trôi" để cuốn ra bể hết những đau khổ của con người...
Huỳnh Thúy Kiều đã viết về những dòng sông theo một cách rất riêng. Chị dùng những ngôn từ, những nghệ thuật táo bạo và mới lạ. Nhiều lúc những dòng sông hiện ra như một cách ngẫu nhiên rồi lại biến mất. Cũng có lúc những dòng sông được giữ lại, sống cùng với những rặng bần, chang đước, nhánh ổi, hay với những mùi bùn đất, phù sa...
Dòng sông của Huỳnh Thúy Kiều như được đem vào những câu thơ văn vần đầy chất nhạc. Giữ lại trong lòng người ta những vẻ đẹp khó phai với những điều rất bình thường:
“Xanh rặng bần uống vầng trăng đêm sóng sánh biếc Cửu Long
Câu vọng cổ thả tiếng ầu ơ níu mưa nguồn bên sông Tiền lồng lộng gió
Buổi sớm mai nước cuộn tròn ngả nghiêng phía Cồn Ấu
Chiều Vàng Nao rung chân trời bừng thượng nguồn sữa mẹ Mê Kông"
(Hát về những dòng sông).
Với những từ ngữ không hề gọt giũa, với cái cảm hứng như dâng trào, với tình yêu quê hương và sự hiểu biết sâu sắc của mình, thế rồi với những từ láy "sóng sánh", "lồng lộng", những động từ như "uống", "thả", "cuộn tròn", "rung"... đã làm cho câu thơ như sống dậy, đứng lên với những phép lạ mà hào hùng, như một bài ca không có nốt trầm.
Và, những dòng sông không đơn thuần với vẻ đẹp mà thiên nhiên, tạo hóa đã ban tặng, mà dòng sông còn đẹp bởi có những con người đẹp. Ở đây, Huỳnh Thúy Kiều viết về những người bạn của cha đã hi sinh trong cuộc kháng chiến bảo vệ đất nước: "Phía dòng sông cút côi chợt bừng thiêng ánh lửa/ Lấp lóa cả hòm da thịt đồng đội ba tôi"(Những giấc mơ màu đất). Huỳnh Thúy Kiều như tưởng niệm lại những người mà đã cùng ba vào sinh ra tử, nhưng họ đã không may ra đi khi làm nhiệm vụ. Chính dòng sông đã là nơi bừng lên "ngọn lửa" thiêng, chứ không phải "ngọn lửa" bình thường. " Ngọn lửa" này chính là sức mạnh, là động lực của niềm tin chiến đấu dành độc lập, bảo vệ Tổ quốc và xây dựng đất nước. "Ngọn lửa" cũng là một ánh sáng soi tỏ những công lao đồng đội của ba chị.
Là người con của đồng bằng sông Cửu Long, chị hiểu hơn ai hết về những nhọc nhằn vất vả của những người dân nơi đây. Tuy là đất đai màu mỡ, bởi mẹ Mê Kông mỗi năm đều bồi đắp cho bao nhiêu phù sa. Nhưng ngược lại người dân phải chịu cái cảnh nước lên, lũ tới. Từng hạt thóc vàng, từng hạt gạo trắng thơm, là bao nhiêu mồ hôi công sức của con người, cũng như là bao nhiêu những "rướn mình quặn thương" của mẹ Mê Kông. Huỳnh Thúy Kiều đã nhắc nhở ta phải quý trọng: "Chén cơm mùa nước lũ/ Hạt gạo thơm chái bếp. Thương quá chín dòng sông." (Kí ức làng).
Thế rồi, cũng có lúc sông Cửu Long ngủ quên. Tưởng là không thu hoạch được gì, nhưng cuối cùng dòng Cửu Long cũng thức giấc. Đây như một niềm vui của người dân, vì Cửu Long thức giấc là gắn liền với nước lên, lũ tới, phù sa được đắp bồi, tôm tép ùa về... Nước sẽ cuốn đi tất cả những đen đủi, báo hiệu một mùa tốt tươi:
"Sông biếng lười trở lòng thức dậy
Hạt cát chảy sáng rực dòng phù sa sớm mai đen đủi
Khai hoang cánh đồng ngân vang tiếng rền ông cọp ông beo...
Đàn khỉ đu mình trên thân tràn nguyên vóc thuở khai sinh
Vuông nước lợ tôm ngoi đầu rỉa ngọt bùi đất mới
Bước chân Lạc Long Quân cùng năm mươi người con đốt rừng rực ngọn lửa Việt
Cửu Long ơi! Mũi tàu rạch sóng gió vườn xa."
(Thức dậy Cửu Long ơi!).
Ôi! Những con sóng là mạch nguồn của sự sống. Cửu Long như là người khai hoang đem tới những ánh sáng tươi mới cho vùng đất Tây Nam bộ. Chính vì như vậy mà các con sông trong vùng này trở nên gắn bó với nhau như anh em ruột thịt: "Sông Tiền, sông Hậu ruột rà mặn ngọt". Rồi chính những dòng phù sa Huỳnh Thúy Kiều đã ví như là "sữa mẹ nuôi đời". Và, những con sông Hậu, sông Tiền... đã góp một phần tạo nên Cửu Long-chín rồng. Ngoại trừ nghiệm vụ bồi đắp phù sa cho cây cối tốt tươi, vạn vật sinh nở và nuôi sống con người, Cửu Long còn có một nhiệm vụ là "nuôi biển lớn".
Những con sông có chức năng thật lớn với vạn vật và con người. Và những con sông còn giữ lại biết bao khung cảnh buồn, những kí ức với nỗi đau vẫn còn hiện hữu: "Qua sông Hậu buồn gì sao đờn cò kéo giọng tỉ tê/ Dưới móng cầu Cần Thơ đâu chỉ riêng nước mắt"( Sông Hậu). Một điều hiển nhiên, là thôn quê luôn bình yên, không ồn ào như thị thành. Ta nghe tiếng tiếng đờn cò kéo với một giọng tỉ tê, như xé vào lòng người một nỗi niềm đầy tâm sự. Với những nhọc nhằn, mất mát hy sinh, thì họ không thể vui được khi bước qua cầu Cần Thơ mà nhìn xuống. Những dấu tích của những ngày đã qua đâu chỉ là buồn nhất thời, mà nó theo con người ta cả một đời người, đến khi đi về với cát bụi.
Tình yêu của Huỳnh Thúy Kiều đối với những con sông thật vô bờ bến. Chị đã hòa mình vào tất cả con người để nói với Cửu Long: "Cửu Long! Cửu Long!/ Triệu yêu thương không bao giờ vơi cạn" (Sông Hậu). Chị cũng đã ca ngợi Cửu Long: "Có già không hỡi chín nhánh Cửu Long!/ Mà ngực trẻ ưỡn căng sữa nguồn lai láng" (Sông Hậu). Huỳnh Thúy Kiều tự hỏi chín nhánh Cửu Long, có già không, nhưng thật sự đó là một biện pháp nghệ thuật, mà chị muốn nhấn mạnh chín nhánh Cửu Long trẻ mãi muôn đời. Huỳnh Thúy Kiều lại cực kì thành công khi sử dụng ngôn ngữ như từ: "ưỡn căng"," lai láng", làm tăng thêm sức mạnh của sự trẻ trung, mà lại vô tình tạo ra một biện pháp nhân hóa vô cùng hữu dụng". Cũng như câu thơ: "Sông Tiền, sông Hậu gợn từng nốt phù sa quẫy căng lồng ngực" (Châu Thổ). Chính từ: "Quẫy căng lồng ngực" cũng làm tăng thêm sức mạnh hào hùng cho hai dòng sông, đồng thời cũng tạo nên vẻ nhạc, tính độc đáo cho câu thơ. Và, nghệ thuật sắp xếp, sử dụng từ ngữ cho hai đoạn thơ trong bài "Sông Hậu" cũng làm ta không thể bỏ qua:
"Mê Kông! Mê Kông!
Triệu yêu thương không bao giờ vơi cạn".

"Sông Hậu! Sông Hậu!!
Triệu triệu lần cha dạy gói tiếng yêu thương".
Giữa Mê Kông là cái lớn, sông Hậu là cái nhỏ. Huỳnh Thúy Kiều như cố ý để lại cách điệp cấu trúc này trong bài, như muốn hòa quyện cái nhỏ và cái lớn, giữa "triệu yêu thương" và " triệu triệu lần cha dạy gói tiếng yêu thương". Nó như thể hiện một chân lý nguồn cội. Huỳnh Thúy Kiều đã nêu lên được cái giá trị của "yêu thương", và từ đó nhận thức ra được tình yêu lớn với toàn thể các con sông. Đồng thời sự nhấn mạnh từ: "Mê Kông! Mê Kông!" và "Sông Hậu! Sông Hậu", đã làm nhấn mạnh thêm được tình yêu thương mà tác giả muốn thể hiện. Nó là một tình yêu thương lớn, tình yêu thương được hòa quyện cùng toàn nhân dân. Mà nó có ý nghĩa hơn khi, tình yêu thương của Huỳnh Thúy Kiều lại là tình yêu thương của người cha đã dạy.
Và, cũng chính những dòng sông đã tạo ra cho con người ở vùng sông nước này những món ăn ngon, nhưng dân dã. Cùng với lòng hiếu khách của người dân, càng làm cho món " canh chua cá linh bông điên điển" này càng trở nên ngon.
Từ những phân tích trên ta đã thấy con sông, đã gắn bó với con người, và cho con người rất nhiều lợi ích. Còn con sông tuổi hai mươi của Huỳnh Thúy Kiều, thì chị đợi gì? Một con người hiệp nghĩa như Lục Vân Tiên bước vào đời mình chăng?
"Hát về những dòng sông khi mình tuổi hai mươi
Qua Rạch Miễu gặp ánh mắt Lục Vân tiên chờ phà cập bến".
(Hát về những dòng sông)
Còn những con sông không ở vùng miền, không thuộc Cửu Long thì sao? Như sông Hồng chẳng hạn. Đó cũng là con sông mà Huỳnh Thúy Kiều ao ước được đến, được đoàn tụ, và coi dòng sông Hồng cũng như những dòng sông khác nơi đất Cửu Long: "Biết bao giờ em được đứng trước sông Hồng để mà thưa". Hay lời thề hẹn: "Anh nói thay em với sông Hồng rằng chúng mình chưa thể gần nhau được nhé" (Thưa với sông Hồng). Chính điều này chứng tỏ Huỳnh Thúy Kiều là một người yêu thiên nhiên, yêu những con sông. Và, tình yêu của chị sẽ càng rộng lớn, càng bay xa, khi chị đem những con sông vào thơ, vào góc tâm hồn của mình...
Với những con sông, có đủ chức năng, sông với con người, đưa đến cho con người ta những nét văn hóa ẩm thực hấp dẫn, đưa đến cho riêng Huỳnh Thúy Kiều những cảm xúc và đưa đến cho bạn đọc những áng thơ hay. Những dòng sông sẽ vẫn còn là cảm hứng vô tận cho các văn nghệ sĩ.
N.T.H
( Hà Nội )
Trả lời với trích dẫn
The Following 2 Users Say Thank You to hieua For This Useful Post:
Nắng Xuân (16-06-14), Nhím con (16-06-14)
  #2  
Cũ 16-06-14, 12:49 AM
hieua hieua đang ẩn
Member
 
Tham gia ngày: Dec 2010
Bài gửi: 691
Thanks: 87
Thanked 813 Times in 519 Posts
Mặc định

Huỳnh Thúy Kiều -"Thưa với sông Hồng"

Nguyễn Trí Hiếu ( Hà Nội )



Thưa với sông Hồng


Giấc mơ đồng bằng con đom đóm thắp nến treo nhánh bần, chang đước

Nghe tiếng còi tàu phía sông Hồng hét căng lồng ngực bờ anh

Gió dậy thì chấp chới bay quàng câu vọng cổ

Mùa chướng nhọc nhằn nước lũ

Bông điên điển trải thảm vàng gọi ai về soi bóng Cửu Long…



Ở cuối trời

Làm sao em có thể thưa được với sông Hồng?

Áo bà ba quấn khăn rằn hát cho mẹ nghe mười thương điệu lý

Miếng trầu cay quết vôi hồng thắm nồng phong vị

Phù sa lùa mùi bùn ngọt thơm hương lá mạ non



Bến sông chiều khoắc khoải giọng ru buồn nghe thương nhớ trào dâng

Trăng đồng bằng no mùa gối đầu lên tiếng sáo

Chén thương hồ mời anh uống hết phù sa con nước đỏ

Nhịp cầu tre tang tình

Ngọn đèn dầu chong ký ức mẹ già nua…



Biết bao giờ em được đứng trước sông Hồng để mà thưa?

Chắc sẽ thẹn thùng với áo tứ thân mớ ba mớ bảy

Và em cũng sẽ thao thức với Quan họ Bắc Ninh cùng liền anh liền chị

Chùm mây thu chở giùm em chút nắng gió sông Hồng theo con nước lớn ròng xuôi Phương Nam mộng mị

Nhớ không anh… Sao em thấy liễu Hồ Gươm căng mắt nhức đợi chờ?



Chưa xa đồng bằng đã thèm ngọt lịm bát canh rau

Anh nói thay em với sông Hồng rằng chúng mình chưa thể gần nhau

được nhé

Hoa tầm xuân khoe sắc tím xanh nõn nà bờ giậu

Mượn bàn tay làm phên chắn gió

Gom lá vườn xưa anh đốt cạn sạch buồn

HUỲNH THÚY KIỀU


Lời bình của NGUYỄN TRÍ HIẾU
"Anh nói thay em với sông Hồng rằng chúng mình chưa thể gần nhau được nhé". Đó là câu thơ thể hiện sự thèm khát được về với sông Hồng của Huỳnh Thúy Kiều. Chị là một nhà thơ của đồng quê, sông nước Châu Thổ. Những câu thơ mà Huỳnh Thúy Kiều viết luôn đau đáu một giấc mơ, một hoài vọng, nhiều khi lại là những điều giản đơn, dung dị đời thường.
"Thưa với sông Hồng" là bài thơ mà người đồng bằng sông Cửu Long ấy muốn gửi đến sông Hồng, để rồi đây những ước mơ của chị không còn xa vời.
Bài thơ là sự hòa quyện của hai vùng đồng bằng Nam, Bắc. Với tấm lòng của một người con đất Việt, với tình yêu quê hương, đất nước, Huỳnh Thúy Kiều như đau đứt ruột gan để viết ra những câu thơ rung động lòng người, khiến người đọc phải cảm thông, phải chia sẻ cùng nỗi tương tư này của chị. Chính cái nỗi tương tư với vùng đất sông Hồng tươi đẹp ấy, đã làm cho thơ Huỳnh Thúy Kiều vượt qua được nơi mình đang sống, vươn xa đến những vùng đất khác trên mọi miền đất nước, cũng như chinh phục được bạn đọc. Và, chính điều đó đã tạo nên chất riêng cho Huỳnh Thúy Kiều khi thả những dòng thơ văn vần tự nhiên, mà đặc sắc, tứ thơ táo bạo, từ ngữ sắc sảo, đa tầng, đa nghĩa... Với tất cả tất lòng của mình đối với vùng đất sông Hồng lại càng làm tôn thêm vẻ đẹp cho bài thơ.
Tuy, cái nhan đề "Thưa với sông Hồng", không phải là chỉ viết về vùng sông Hồng, mà phần lớn vẫn viết về vùng sông Cửu Long. Từ ngôn từ, hình ảnh, giọng điệu không có nhiều của vùng sông Hồng. Đây chỉ như một bức thư của một người con ở nơi cuối trời Tổ quốc gửi về thủ đô và sông Hồng yêu dấu.
Ngay những câu thơ đầu tiên Huỳnh Thúy Kiều đã viết: "Giấc mơ đồng bằng con đom đóm thắp nến treo nhánh bần, chang đước". Đây rõ ràng là cảnh tượng của vùng sông nước Cửu Long, gắn liền với cây bần, cây đước. Và, thật khâm phục với tài viết thơ của Huỳnh Thúy Kiều, với những con đom đóm, mà tác giả đã làm sáng rõ cả một không gian sông nước, và làm rực sáng trang thơ. Con đom đóm ở đây được ví như những ngọn nến, treo như những chiếc đèn lồng trên cây. Chính câu thơ mở đầu này đã khai mở cho ta thấy, Huỳnh Thúy Kiều đang muốn ca ngợi nơi mình đang sống. Rồi đột nhiên sông Hồng xuất hiện với đặc trưng là một tiếng còi tàu vang vọng từ xa, như một âm thanh làm rung động nỗi khát thèm được về với sông Hồng của tác giả. Huỳnh Thúy Kiều đã dùng những từ rất táo bạo mà độc đáo "hét căng lồng ngực bờ anh". Từ " bờ" như khơi ra cái hình ảnh "bờ" và "bến", hình ảnh của tình yêu. Và sông Hồng như một người con trai đầy sức mạnh. Thế rồi, những hình ảnh sông Hồng lại tan biến, và để lại một khung cảnh Cửu Long rất quen thuộc với tác giả thường ngày, với "câu vọng cổ", với " bông điền điển", với những vất vả, nhọc nhằn mùa nước lũ.
Sông Hồng lại hiện ở trong khổ 2:
"Ở cuối trời
Làm sao em có thể thưa được với sông Hồng?"
Có vẽ sông Hồng hiện lên rồi tan biến, lại xuất hiện đột ngột làm cho người đọc cảm thấy sự lấp lửng khó tả, sự tò mò lên cao, và phải tự hỏi: Nhà thơ sẽ viết gì và gửi gắm cái gì với sông Hồng đây? Có thể vì tác giả đang "ở cuối trời", một vị trí xa xôi quá nên chưa hình dung được sông Hồng, và khó có thể mang được những lời gửi gắm của mình đến vùng đất xa ấy. Thế rồi Huỳnh Thúy Kiều lại quay về với những hình ảnh mang đậm chất vùng sông nước Cửu Long như: "Áo bà ba", "điệu lý". Nhưng Huỳnh Thúy Kiều đã đan cài những hình ảnh dân gian thôn quê độc đáo:"Miếng trầu cay quết vôi hồng thắm nồng phong vị / Phù sa lùa mùi bùn ngọt thơm hương lá mạ non".
Người đồng bằng sông Cửu Long vốn dân quê hiền lành hay thương, hay nhớ, nhất là khi chiều về. Họ nhớ những người đi xa, họ mong được đoàn tụ. Còn đây Huỳnh Thúy Kiều ngoài nhớ người thân và muốn đoàn tụ, còn thêm một khao khát nữa, đó là được đặt chân lên vùng sông Hồng để thỏa lòng mong nhớ. Nhìn những ánh trăng gối đầu lên những tiếng sáo như đầy chất hình tượng, cộng với hình ảnh "phù sa con nước đỏ", lại gợi ra một nông thôn dân dã, bình yên. Nhất là hình ảnh: " Ngọn đèn dầu chong kí ức mẹ già nua...". Như một hình ảnh thể hiện sự vất vả với cuộc sống, ruộng đồng, với những ngày đã qua còn vướng lại mãi mãi. Thế rồi làm cho ta hiểu thêm về con người đồng bằng sông Cửu Long.
Bây giờ ta mới thấy hình ảnh sông Hồng hiện lên:
"Biết bao giờ em được đứng trước sông Hồng để mà thưa
Chắc sẽ thẹn thùng với áo tứ thân mớ ba mớ bảy
Và em cũng sẽ thao thức với Quan họ Bắc Ninh cùng liền anh liền chị".
Chao ôi! Ở trên thì tác giả tự hỏi: "Làm sao em có thể thưa được với sông Hồng?". Và, tác giả cũng ngượng ngùng không biết người đồng bằng sông Hồng họ ăn mặc như thế nào? Có làm nông nghiệp nhiều như đồng bằng sông Cửu Long của mình không? Huỳnh Thúy Kiều sợ mình lạc hậu với "áo bà ba quấn khăn rằn", với mùi phù sa nồng nặc. Nhưng thật sự đến đoạn thơ này, Huỳnh Thúy Kiều đã quyết tâm hơn với câu hỏi " biết bao giờ" chứ không phải là "làm sao" như trước. Và, chị đã nêu nên rất nhiều hình ảnh như muốn hai miền hòa quyện vào nhau, như muốn mình hòa quyện với người vùng đồng bằng sông Hồng, khi khoác lên mình chiếc áo tứ thân đứng cùng các liền anh liền chị.
Và, ta thấy rõ hơn nữa khi tác giả viết:
"Chùm mây thu chở giùm em chút nắng gió sông Hồng theo con nước lớn nước ròng xuôi về phương Nam mộng mị
Nhớ không anh...Sao em thấy liễu Hồ Gươm căng mắt nhức đợi chờ".
Ta thấy được Huỳnh Thúy Kiều đã chọn mùa thu để gửi gắm vào sông Hồng. Như ta đã biết, mùa thu là mùa đẹp nhất của Hà Nội, mùa thu cũng là mùa của hoa cúc vàng, mùa của những tia nắng vàng nhẹ như mơ màng, mùa của gió heo may... Tác giả muốn một chùm mây thu chở những sắc trời, áng mây của vùng sông Hồng theo dòng nước mát rượi trôi về phương Nam, nơi tác giả sống. Và Huỳnh Thúy Kiều cũng chưa được cảm nhận cái tiết trời mùa thu ở sông Hồng, cho nên chị ao ước hay chăng? Giữa bộn bề công việc, với cuộc sống, chăm nom con cái... thì một người ở tận mũi đất Cà Mau mà ra được miền Bắc, về với sông Hồng quả thật là khó. Hình ảnh "anh" lại được xuất hiện với câu: "nhớ không anh". Đây như là lời của Huỳnh Thúy Kiều tự hỏi sông Hồng có nhớ mình không. Vì vấn đề gì mà Huỳnh Thúy Kiều lại hỏi vậy, là chị thấy những cây liễu ở Hồ Gươm đang đứng đợi chờ. Và, cũng rất táo bạo khi tác giả dùng từ "căng mắt", như rất tình cờ tạo ra một biện pháp nhân hóa rất độc đáo. Chính nghệ thật ấy thể hiện những cây cối ở Hồ Gươm cũng biết đợi chờ, mà "căng mắt" như là đã đợi chờ từ lâu lắm rồi.
Bây giờ, Huỳnh Thúy Kiều lại quay về với hiện thực nơi mình đang sống, không còn mơ màng với "áo tứ thân", với "Quan họ Bắc Ninh", với "liễu Hồ Gươm" nữa. Tuy rằng, rất muốn đến sông Hồng, nhưng chưa kịp xa quê mà đã "thèm ngọt lịm bát canh rau". Chính vì thế lại càng tôn thêm nét đẹp người dân Việt Nam, không vì một vùng đất đẹp nào đó mà quên đi quên mảnh đất nơi mình đã "chôn nhau cắt rốn". Cho nên tác giả phải tạm gác lại "Anh nói thay em với sông Hồng rằng chúng mình chưa thể gần nhau được nhé". Tác giả đưa một lý do rất vu vơ: "Hoa tầm xuân khoe sắc tím nõn nà bờ giậu", như muốn nói, hoa tầm xuân của quê mình rất đẹp, nó níu gót không cho chị đi. Chỉ cần thế thôi, những bông hoa tầm xuân đã làm tác giả không thể xa quê dù chỉ một thời gian rất ngắn ngủi. Và, làm sao có thể giải tỏa được nỗi buồn khi dòng cảm xúc giữa nơi mình đang sống với một vùng đất khác. Huỳnh Thúy Kiều đã dùng một cách nói ngụ ý, là "mượn bàn tay", để che đi những cảm xúc, mà chị gọi là "gió". Cũng chính bàn tay đó sẽ giúp chị gom lại những "chiếc lá vườn xưa", đem đi đốt để không còn buồn nữa.
"Thưa với sông Hông", chỉ là một lời thưa, gửi gắm đến một vùng ở miền Bắc mà thôi. Nó thể hiện một tấm lòng của người con đất Việt, có tình cảm yêu thương mọi miền đất nước. Từ bài thơ, càng thấy rõ tình yêu quê hương của nhà thơ Huỳnh Thúy Kiều như chị cũng đã từng viết: "Uống máu quê hương để nặng gánh quay về".
Trả lời với trích dẫn
The Following 3 Users Say Thank You to hieua For This Useful Post:
Cá chuồn (16-06-14), Nắng Xuân (16-06-14), Nhím con (16-06-14)
  #3  
Cũ 16-06-14, 02:56 PM
hieua hieua đang ẩn
Member
 
Tham gia ngày: Dec 2010
Bài gửi: 691
Thanks: 87
Thanked 813 Times in 519 Posts
Mặc định

NẾU…
HUỲNH THÚY KIỀU


nếu một ngày sóng xô anh dạt về phía em
biển đã mặn
van em đừng cứu anh bằng nước mắt
hư thực ào qua bờ gió tím ảo ảnh miền xa lắc
mộng bây giờ có khác mộng ngày xưa?

bến mùa thu trổ vàng từng chiếc lá
giọt nước rơi vỡ từng sợi tâm tình
rồi một ngày đinh ninh mình hò hẹn
rối cả chiều…
có níu được yêu thương?

anh thì vội
mùa nào anh cũng vội
giêng hai này em có đợi được không?
giai điệu biển uống từng lời sóng hát
hoàng hôn về nhàu cả nếp ưu tư

nếu một ngày anh ngã vào đời em chếch choáng
thì trăng xưa nay đã vẹn rằm
treo từng phiến buồn tênh vào sợi bùa ký ức
đắng lòng người
xuân rót mật vào đêm



nếu một ngày không thể có em
bình minh anh chẳng bao giờ rạng nữa
Cà Mau, 06.12.2013
H.T.K



Bình

Vẫn cái chất rạng rỡ, cuồn cuộn với tình yêu say đắm cái mật ngọt. Cái hồn của Hùynh Thúy Kiều đã đi sâu vào cõi mơ mộng, để mò tìm cái chất mới Tình Yêu.
"nếu một ngày không thể có em
bình minh anh chẳng bao giờ rạng nữa"
Chất thơ của Hùnh Thúy Kiều, là sông bể của cõi tình yêu. Tôi thích thơ chị như thích một hồn thơ mới, biết sáng tạo, biết sâu lắng, biết tìm tòi cái chất rất mới. Khai thác từ những thứ bình thường, rồi để ngôn ngữ cứ ào ạt trôi.
"Nếu" lại là một bài thơ như vậy. Với những "ảo ảnh miền xa lắc", "rồi một ngày đinh ninh hẹn hò". Như trở lại thời con gái, thời mới yêu, thời trẻ của một người... Chị viết lên khúc ca, tôi thấy như đang diễn ra trong đời mình.
"nếu một ngày anh ngã vào đời em chếch choáng
thì trăng xưa nay đã vẹn rằm".
Phải nói, sự vẹn nguyên trong tình yêu, là cái dấu để tình tới viên mãn. Một sự hướng tới rất thực, rất cảm tình. Đặt ra những dấu ấn "Nếu", cho ta biết rất nhiều về những vấn đề trong lòng tác giả, muốn bầy tỏ. Và người con trai trong ấy mà thiếu vắng bóng người phụ nữ này, sẽ thiếu rất nhiều, rất nhiều.
Còn rất nhiều bài thơ nữa, Huỳnh Thúy Kiều mang vào thơ mình nhiều vấn đề mới, rất tế nhị mà như lột tả về tình yêu chân thành.
Trả lời với trích dẫn
The Following User Says Thank You to hieua For This Useful Post:
Nhím con (16-06-14)
Trả lời


Quyền viết bài
Bạn không thể gửi chủ đề mới
Bạn không thể gửi trả lời
Bạn không thể gửi file đính kèm
Bạn không thể sửa bài viết của mình

BB code đang Mở
Mặt cười đang Mở
[IMG] đang Mở
HTML đang Tắt

Chuyển đến


Múi giờ GMT +7. Hiện tại là 01:44 AM

© 2007 - 3.8.7 - BQT không chịu bất cứ trách nhiệm nào từ bài viết của thành viên.