NguyetVien


Trở lại   Nguyệt Viên > Vườn Văn Học > Truyện Sưu Tầm > Truyện Ngắn
Nạp lại trang này Lỏng và tuột

Thông Báo
Hướng dẫn cách đăng ký nick tham gia Nguyệt Viên
Cuộc thi thơ Đường Luật "Tình yêu 2020""
Lời cảm ơn và hình ảnh của chuyến đi "Thương về Miền Trung 2010"

Trả lời
 
Công cụ bài viết Kiểu hiển thị
  #1  
Cũ 12-09-10, 12:13 PM
Trung Nguyên Trung Nguyên đang ẩn
Member
 
Tham gia ngày: Apr 2010
Bài gửi: 16
Thanks: 1
Thanked 15 Times in 13 Posts
Mặc định Lỏng và tuột

LỎNG VÀ TUỘT

Truyện ngắn của TRẦN ĐỨC TIẾN


Y bấm nút khởi động chiếc điện thoại đi động. Màn hình sáng lên trong vài giây, rồi từ từ tối lại. Không có tin nhắn. Đêm qua không có ai nhớ đến y. Không ai muốn nói, muốn chia sẻ với y điều gì trong lúc y ngủ và tắt máy. Giá như mọi sáng khác, y sẽ cất điện thoại vào một chỗ rồi bắt đầu những công việc hàng ngày của mình. Nhưng sáng nay, y lẩn mẩn giữ máy trong tay hồi lâu. Lẩn mẩn nhấn phím mở danh bạ. Không hề có ý định gọi cho ai. Chậm rãi lướt một lượt từ trên xuống dưới. Những cái tên người xếp theo thứ tự ABC, cẩn thận, chính xác như trong từ điển. Mỗi tên kèm theo một dãy số. Số di động, số nhà riêng, số cơ quan. Anh (Hoàng). Anh (Kim). Ánh (Ngọc)... Chu (Vũ Duy). Cầm (Hoàng Trọng)... Giao (Trần Bá)... Huyền (Thu), Hương (Minh)... Khả (Nguyễn)... Nhiều nhất vần T - Tảo, Tần, Tân, Tam, Tình, Thu, Thúy, Tiến... Ít nhất vần S - chỉ có độc một mống: Sáng (Lê Xuân). Không ngờ trong máy của y lại lưu nhiều tên và số đến thế. Những mấy trăm người. Thân thiết, hoặc đã từng gặp, từng quen. Những mối liên hệ còn giữ được. Và cả những mối liên hệ đã nhạt dần, lỏng ra, rụng hẳn. Lẫn vào giữa những số máy còn sống - những số máy thường xuyên hoặc thỉnh thoảng còn hiện trên màn hình - là những số máy chết ngoẻo từ bao giờ. Y đã quên bẵng chúng. Chúng nằm rải rác đây đó trong danh bạ như những bia mộ.
Chẳng hạn có một số máy kèm theo tên người như thế này: Yến. Mở ngoặc: Lê Kim.
Cứ như là cô ta đã lẻn vào cuộc đời y bằng một cái tên với mười con số sắp xếp ngẫu nhiên trong lúc y say khướt.
Những cơn say y đã từng trải qua... Say mửa cả mật xanh mật vàng. Say li bì qua ngày qua đêm không nuốt nổi thứ gì vào bụng. Say bò ra nhà, say đái ra quần, say xong tưởng chừa rượu cho đến chết. Vậy mà cũng có một lần khi tỉnh cơn say y lại sướng âm ỉ. Mọi chuyện diễn ra lạ lùng đến nỗi nhiều năm sau nhớ lại, y vẫn ngỡ mình chưa ra khỏi cơn mơ.

Ba thằng công chức xa nhà thổi cơm chung trong khu tập thể. Mấy lạng thịt phiếu, mấy bìa đậu phụ, rất nhiều rau sống và một can rượu trắng xách từ quê ra. Đến khi rượu chỉ còn lắp xắp dưới đáy can, hai thằng lăn ra sàn. Còn y sực nhớ ra khoản nợ. Y vay tiền của một chị làm cùng cơ quan. Vừa lĩnh lương xong, giờ là lúc nên trả. Chị này hơn y sáu tuổi, tính tình hào phóng, hình như cũng có nhiều thiện cảm với y hơn những người khác. Cho y vay nóng tiền. Thỉnh thoảng rủ y ra phố Gầm Cầu ăn trứng vịt lộn. Những quả trứng vịt lộn trong những năm đầu thập kỷ tám mươi của thế kỷ trước... Đấy không phải trứng. Đấy là thuốc bổ. Là nhân sâm. Vừa nuốt khỏi cổ rôm đã cắn nhôn nhốt khắp người, máu chạy giần giật. Trứng vịt lộn xoá đi khoảng cách tuổi tác. Trứng làm trẻ lại các tế bào, làm mới các quan niệm, đánh thức những ý tưởng bị bỏ đói và thúc cho chúng phóng vun vút.

Chiếc coóc-sê màu trắng chập chờn liệng xuống chiếu. Chiếc coóc-sê ngoại cỡ, như chiếc diều cánh cốc mà hồi còn trẻ con y vẫn thả lên trời. Hai bàn tay rất khỏe túm lấy tóc y ghì xuống. Những câu trách móc lặp đi lặp lại như điệp khúc: "hư quá, hư quá". Sau "hư quá" đột nhiên "chết rồi". Sau "chết rồi" vẫn sống nhăn và đòi "bắt đền". "Bắt đền gì"? "Bắt đền... cái này này". Đầu óc y vẫn còn đang lơ mơ. Chị chàng bèn vùng vằng kéo tay y ấn lên cái này này. Ấm, mượt, phập phồng như bụng cá.
Sáng hôm sau y thức dậy trên chiếc giường hôi xì của mình trong khu tập thể. Một buổi sáng hiếm hoi thằng đàn ông còn trẻ xa vợ không phải vén màn quay vào tường thủ dâm.

Lê Kim Yến. Cô ta là ai nhỉ? Cô ta làm gì, ở đâu? Quen biết y từ khi nào? Tại sao lại quen y? Bây giờ lấy búa bổ vào đầu có lẽ y cũng chịu. Vì thế, cái tên đã bị xoá đi trong trí nhớ kia (mặc dù vẫn còn được bảo hiểm bằng một dãy số cụ thể), cũng có vẻ giống một giấc mơ hơn là một sự thực. Như mấy chục năm về trước, sau cái đêm đi trả nợ, vĩnh viễn không bao giờ còn trứng vịt lộn với phố Gầm Cầu. Đàn bà rất lạ. Họ thường có những cú phanh gấp, dừng đột ngột, đúng vào lúc cuộc phiêu lưu vừa khởi đi những vòng quay đầu tiên. Những ngày tiếp theo y đến cơ quan, vẫn ngồi gần chị chàng cho vay tiền, nhưng vẻ thản nhiên của người đàn bà khiến y chưng hửng. Y mấy lần liếc trộm ngực áo chị ta. Đoan trang, kín đáo. Có đúng bên trong là chiếc coóc-sê to cỡ đó không nhỉ? Y liếc trộm cả xuống phía dưới. Nghiêm lạnh, xa vời. Thất vọng não nề về cái bụng cá nóng hổi và sống động. Y đâm ra nghi hoặc tất cả. Những câu hỏi dai dẳng bám theo y. Những điều ngỡ thật hơn cả thật, thoắt cái trở nên hư huyễn. Con cá đã luồn ra khỏi tay y và lặn mất tăm.
Suýt nữa y nhấn nút gọi cho Lê Kim Yến.
Nếu cô ta trả lời, có thể y sẽ nhận ra, nhưng cũng có thể vẫn mù tịt. Y sẽ nói gì, làm gì tiếp theo? Suy đi tính lại, chỉ có mỗi cách mời đi uống cà phê là hay nhất. Đó là một giải pháp trung tính. Quán cà phê giống như nơi cắm cột mốc biên giới. Vừa tiếp giáp gần gụi, vừa khẳng định chủ quyền. Xem nào... Đã lâu lắm y bỏ thói quen ra ngồi quán cà phê lúc đầu ngày. Những quán cà phê trong thành phố đua nhau mọc lên, ồn ào, đông đúc. Y không chịu được những nơi đông người. Ngày trước, khi còn ra quán uống cà phê, y cũng chọn những quán nhỏ, vắng. Trầm chẳng hạn. Y thích đến Trầm, không phải vì cà phê Trầm ngon. Cũng không phải vì nhạc hay. Mà vì cái tên quán rất hợp với không khí quán. Bàn gỗ mộc sạch sẽ. Trên mỗi mặt bàn đặt chểnh mảng một tách cà phê bằng gốm. Trong lòng tách, dưới đáy có lớp men màu nâu sẫm hệt như lớp cà phê còn đọng lại. Mô hình tách-cà-phê-uống-dở luôn gây cho y cảm giác có một người nào đó vừa ở đây đứng lên. Người đó là ai? Người đó đi đâu rồi? Người đó đã chờ y, đã uống cạn sự nhẫn nại của mình mà y chưa tới.
Y nhấn nút, gọi Lê Kim Yến.
Hồi hộp đưa máy lên nghe.
Ở đầu kia mối quan hệ vừa được tái lập, chỉ vang lên những tiếng tút dài.
Giống như kẻ bị đẩy lên con đường do chính mình bất ngờ tạo ra, sau nhiều năm, y một mình tới Trầm.

Thêm nhiều bàn ghế, căn phòng như hẹp lại. Nhạc mở to. Hoa cắm vội trên bàn. Và tất nhiên không còn những tách cà phê bằng gốm. Mùi khói thuốc lá trong phòng máy lạnh hăng hăng như kim châm vào lỗ mũi. Y tò mò nhìn quanh. Toàn những gương mặt lạ. Lách qua mấy dãy bàn, y chọn cho mình một chỗ ở cạnh cửa sổ. Khung cửa nhìn ra khoảnh vườn nhỏ có giàn chanh dây với những trái tròn tròn màu xanh non.
- Ngồi một mình à?
Những trái chanh vụt biến, sau cái vỗ vai khá nặng.
Lão già có mái tóc lởm chởm màu xi măng kéo ghế, ngồi xuống cạnh y.
Lão chủ cửa hàng vật liệu xây dựng. Lão vòi nước. Chết tiệt. Sao lão lại xuất hiện ở đây, vào đúng lúc này? Lúc này y chẳng có nhu cầu gì về vòi nước! Chỉ có vòi nước mới là lý do - lý do duy nhất - để y tìm đến lão, hay nói cho bình đẳng, hai người tìm đến nhau. Mối quan hệ đó được hình thành trên cơ sở sáu cái vòi nước ở nhà y. Một cái tưới cây. Một cái rửa bát. Một cái máy giặt. Và ba cái trong toilet. Sáu cái vòi thay nhau hỏng. Chúng chỉ hỏng vì mỗi cái joăng cao su ở bên trong mới tức. Nước cứ rỉ ra từng giọt. Thế là phải thay cả vòi. Y đến cửa hàng vật liệu xây dựng đầu phố, nơi chất ngổn ngang những xi măng, gạch ngói, cát sỏi, đồ trang trí nội thất... và hàng trăm thứ đồ linh linh tinh khác, chỉ để tìm mua vòi. Rồi gọi luôn lão là lão vòi nước cho tiện. Mãi gần đây, khi bán chiếc vòi mới cho y, lão thông báo: tất cả các loại vòi bây giờ đều có joăng thay thế. Lão khuyến mãi cho y liền một lúc năm cái joăng mới tinh. Những cái joăng sơ cua chưa dùng hết.
Y miễn cưỡng chấp nhận tình huống trớ trêu:
- Anh uống gì?
- Thế cậu uống gì?
- Em kêu rồi. Cà phê đá.
- Cho tớ ly bưởi ép. Tớ chỉ uống cà phê vào buổi tối.
Y vẫy cô phục vụ, gọi thêm ly bưởi ép. Trong lúc chờ đợi, y chẳng biết nặn óc ra chuyện gì hay ho hơn là hỏi tiếp:
- Uống cà phê buổi tối mà anh không sợ mất ngủ à?
- Tớ dùng cà phê buổi sáng thì đến đêm mất ngủ. Còn dùng buổi tối thì đến sáng hôm sau mới thấy tỉnh như sáo - Lão vòi nước cười ồ ồ - Cái gì vào tớ cũng bị chậm hơn người...
Cà phê và bưởi ép cùng lúc được đưa ra.
- Bưởi ép rất có lợi cho tiêu hoá. Chẳng hiểu cậu thế nào, chứ tớ rất khoái được tống cái thứ khí thải ra khỏi người. Ở nhà thì khỏi phải nói, mặc kệ vợ con, tớ cứ thoải mái nện từng phát. Bùm! Bùm! Còn lỡ khi đang ở ngoài đường đông người, thì phải nhịn cho đến lúc có chiếc ô tô hay xe máy nào chạy qua. Pạch pạch! Tít... Chẳng có đứa quái nào nghe thấy.
Lão vòi nước lại cười như một cái vòi mở hết cỡ.
Y sượng người liếc trộm mấy bàn xung quanh. May nhạc mở to, người nào chuyện ấy, chẳng ma nào để ý.
- Cậu có hiểu gì về thị trường chứng khoán không?
- Không.
- Tớ cũng đếch hiểu. Nhưng thiên hạ thì sôi lên sùng sục - Lão vung tờ báo mới lên - Báo viết có thằng sớm mai tỉnh dậy đã vớ trong tay bạc tỉ. Thấy chúng nó đua nhau làm ăn, mình cứ ớ ra như người bị mất tiền cậu ạ.
Chiếc điện thoại trong túi quần y đổ chuông. Y lấy máy, nhìn hàng chữ hiện trên màn hình. Nét mặt thoáng thay đổi.
- A lô! - Y hắng giọng, nhắc lại - A lô... A lô! Tôi nghe đây...
Đầu bên kia im phăng phắc.
- Thôi chết! Cậu hẹn với bạn à? Tớ vô ý quá, vô ý quá!
Lão vòi nước dốc tuột ly bưởi ép vào miệng. Những viên đá chưa kịp tan xô nhau lóc cóc. Lão cuộn tròn tờ báo, đứng lên bắt tay y. Bàn tay thô nhám cứng như sắt. Lão còn kịp ghé tai y bỏ nhỏ thêm một câu:
- Nước bưởi nhanh tệ. Ra cửa thể nào tớ cũng "bùm"!

Đợi cho lão vòi nước khuất sau cánh cửa, y cũng đi vào buồng vệ sinh.
Y đứng trong đó khá lâu. Vừa tiểu vừa nghĩ về cú điện thoại vừa rồi. Dòng nước tiểu nhỏ và chậm, đôi lúc suýt bị ngắt quãng, như chảy ra từ cái vòi bị hỏng. Những ý nghĩ lan man trong đầu y. Rõ ràng cái tên đó vừa hiện ra trong máy. Cô ta đã gọi lại. Có thể vì cú điện thoại của y gọi cho cô ta lúc sáng. Nhưng tại sao cô ta chỉ im lặng? Y gặp những trường hợp tương tự như thế này ở đâu rồi nhỉ? Với ai nhỉ?... A, thường là với mấy cô điếm trong quán bia ôm. Đúng thế. Họ vẫn thường có kiểu thăm dò thận trọng như vậy. Để tránh sa vào các thứ bẫy. Để thêm một lần cân đong lại giá trị của mình. Để kiểm tra chất lượng những lời hứa hẹn, thề thốt từ những cái miệng đầy mùi rượu của bọn đàn ông. Không loại trừ một ít mặc cảm tội lỗi, cũng như sự giằng co tranh đấu ngoạn mục giữa phẩm hạnh và bùn lầy...
Những viên thuốc vàng vàng xanh xanh trong bồn tiểu bốc mùi mãnh liệt, hăng gắt hơn cả khói thuốc lá. Mấy giọt nước tiểu còn lại són ra chiếc quần lót. Ươn ướt, lành lạnh ở bên đùi. Y tặc lưỡi, kéo khoá quần.

Ra khỏi buồng vệ sinh, y đến ngồi chỗ cũ. Mảng quần lót vẫn dinh dính vào háng... Bao giờ ngồi bên cạnh những cô điếm trong quán bia ôm, y cũng làm ra bộ trầm trọng. Hỏi em có ngại không, có sợ không? Rồi khe khẽ đổi lại tư thế ngồi cho dương vật đang cương lên khỏi tức. Em đừng ngại, đừng sợ. Anh không như những thằng đàn ông khác đâu. (Đến chỗ này, gặp đứa con gái nào sành sỏi là nó sẽ trắng trợn tóm ngay vào của quý của y để kiểm tra độ thành thật). Những thằng đàn ông khác là những thằng bạn y đang ngồi xung quanh đây này. Những thằng đàn ông vừa tọng cho đẫy rượu thịt ngoài quán nhậu, vào đây vớ được đùi non vú mẩy là mê mụ đi, là mắm môi mắm lợi nghiến ngấu. Anh không như chúng nó. (Á à). Anh xin phép được quàng tay ôm em. Xin phép được hôn lên cái nốt ruồi trên ngực em. Nữa, xoè tay ra để anh xem bói cho. Những đường chỉ tay rách nát mã hoá cuộc đời của những cô gái điếm. Y chẳng đọc được mẹ gì ở những đường chỉ tay ấy. Y nhè nhẹ nâng niu khép những ngón tay ngoan ngoãn (hoặc tạm thời ngoan ngoãn) của các cô lại. Rồi thở dài. Hoàn thành xuất sắc màn giáo đầu có tên là "Lòng trắc ẩn của anh có thừa, chỉ mỗi tội tiền hơi bị kẹt".

Thật chẳng hơn gì cứt!
Ấy thế mà cũng có đứa cảm động vãi nước mắt, tiễn y ra cửa còn dấm dúi cho số phôn.
Có tiếng chuông điện thoại reo vang trong túi quần.
Y hấp tấp lôi máy ra. Trên màn hình là một số máy lạ hoắc.
"Xin lỗi. Có phải bác Y nghe máy không ạ"?
Một giọng đàn ông từ tốn vang lên.
"Vâng... Tôi đây... Y đây".
"May quá. Mời bác mười giờ đến nhà hàng Con Lừa. Đúng mười giờ sáng nay bác nhá".
"Anh là..."?
"Em đây... Em là cháu ngoại cụ Lang Gừng ở xóm Giữa... Hôm nay họp đồng hương mà bác? Bác chưa nhận được thư mời à? Ban tổ chức chúng em hỏi thăm mãi mới xin được số điện thoại của bác. Năm nào vào ngày này làng mình cũng tổ chức họp đồng hương. Bác nhớ đến cho vui nhá".

Ôi trời ơi! Y vừa ngán ngẩm, vừa muốn phì cười. Y rời khỏi làng năm mười bảy tuổi, và bây giờ đã ngoài năm mươi. Hơn ba mươi năm chỉ có vài lần về thăm quê, lần nào cũng như khách lạ. Những sợi dây liên hệ cuối cùng đã đứt từ lâu. Bố mẹ không còn. Anh em ly tán. Không còn bất cứ điều gì ràng buộc, níu kéo y. Y ghét những cuộc tụ tập đông người để nhấm nháp món nước dùng nhạt hoét có tên là kỷ niệm. Hội đồng hương. Hội trường. Hội lớp... Y đã từng kinh ngạc khi một hôm bất ngờ nhận được bản danh sách dài những bạn học cùng lớp thời sinh viên. Bản danh sách với đầy đủ tên họ, địa chỉ, nơi làm việc, số điện thoại, thậm chí cả chức vụ của từng người. Tên họ y, những thông tin về y cũng đầy đủ, chính xác như luôn luôn có một cặp mắt, một bàn tay vô hình nào đó dõi theo và cập nhật. Nhưng y đã quên biến một số kẻ có tên trong danh sách đó. Và một số kẻ khác thì chưa bao giờ có ý định gặp lại. Giống như một hành khách đã nhảy lên chuyến tàu của đời mình, y cứ muốn tàu chạy thẳng một lèo đến ga cuối cùng. Y kiên quyết nói KHÔNG với việc ngoái đầu nhìn lại ga cũ... Thế mà vẫn chưa được buông tha. Lại còn gì ấy nhỉ? Cụ Lang Gừng. Xóm Giữa. Nhà hàng Con Lừa. Ha ha... Thật khéo chọn. Họp đồng hương ở nhà hàng Con Lừa! Đồng hương tỉnh chưa chán thì đồng hương huyện. Và bây giờ là đồng hương làng.
Y tắt phụt máy. Lại thấy buồn đái.
Lần này không có giọt nước tiểu nào són ra quần.
Cái tên Lê Kim Yến cứ mãi luẩn quẩn trong đầu y. Không hiểu sao nó lại gợi cho y nhớ đến một người. Thấp thoáng. Một phụ nữ không mang tên đó. Cũng không phải điếm. Có nghĩa là lành lặn trong con mắt của tất cả những người bình thường. Nàng khoảng bốn mươi tuổi. Một viên chức nhà nước hẳn hoi, thậm chí còn là một viên chức ở một cơ quan sang trọng. Chỉ có một điểm khiến y hơi phàn nàn (thầm trong bụng) là làn da giữa hai bầu vú của nàng. Nó khô và gợn lên vô số những nếp nhăn li ti...

Rủ nhau lẻn đi cà phê, đi ăn trưa. Sau nhiều lần đưa nhau vào khách sạn ôm ấp, hôn hít và làm đủ mọi thứ trò khỉ khác, nàng mới chịu cúi xuống tự cởi giày. Còn váy thì để nguyên. Trong lúc y cuống quýt thu xếp một tư thế, nàng rên rỉ như hối hận, như bị xúc phạm. Chỉ có cặp đùi nàng không biết nói dối, cứ vô tư khuyến khích y. Xong việc, y ngồi dậy, thở. Nàng cũng vùng ngay dậy. Rồi bỗng nhiên nổi cơn cớ, tiện tay vớ được thứ gì ném vung đi thứ ấy. Gối. Chăn.Quần lót. Túi xách... Này cả nể này! Này mềm yếu này! Này nhẹ dạ này! Này lú lẫn này!... Cho đến khi vẫn thấy y ngồi đực mặt như đang xem một trò diễn, nàng bèn vùng vằng kéo vạt váy nhàu nhĩ xuống (lúc nãy vẫn chưa cởi ra khỏi người) chạy thẳng vào toilet, vặn nước xoè xoè.

Vài ngày sau, y thì thầm tâm sự với một thằng bạn, cả hai ngã ngửa người... Hai thằng nằm gác đùi lên nhau, cười hô hố, tranh nhau kể ra những tình huống, những câu nói, những việc làm. Tối hôm trước nó thề thốt với mày thì tối hôm sau nó ngã vào lòng tao. Nó ném chăn ném gối với mày trên giường thì nó sụt sùi đau đớn véo tai dứt tóc tao ăn vạ. Nhưng cái gì cũng có giá cả đấy. Nó bòn mày con di động thì nó mơi tao sợi dây chuyền... Cứ thế, công khai, ráo hoảnh, những mảnh tình chim chuột của hai thằng đàn ông với một con đàn bà được trưng ra bằng hết, và chúng giống hệt nhau như những bản photocoppy. Cả hai thằng bí mật ngoéo tay nhau cùng ngoảnh mặt với nàng. Để mặc nàng tiếp tục đóng vai con nai vàng ngơ ngác...

Sau lần ấy, y bắt đầu quen dần với việc đi chơi điếm. Và thầm nghĩ rằng đàn bà chẳng khác nhau bao nhiêu.
Y lấy điện thoại, mở thật nhanh danh bạ tìm đến cái tên Lê Kim Yến. Bấm máy gọi.
Sau hai hồi chuông, đầu kia có người bắt máy.
"A lô" - Y hồi hộp lên tiếng.
Không ai trả lời. Chỉ nghe tiếng thì thào. Rồi bỗng nhiên có tiếng cười. Tiếng phụ nữ cười. Một người. Hai, ba người cùng chụm đầu vào nhau cười. Khúc khích.
Y tắt máy, ngẩng lên.
Quán cà phê vắng ngắt.
Những người khách cuối cùng đã rời khỏi quán từ khi nào.
Buổi sáng dài đằng đẵng như trôi qua trong sương mù. Hình như y cũng đang dập dềnh trôi đi đâu đó. Mọi thứ đang lần lượt tuột ra khỏi tay y.
Nửa tiếng sau ở nhà hàng Con Lừa, giữa những người đồng hương xa lạ, y giật mình phát hiện ra khoá quần vẫn mở...

Tháng 2 - 2007
Trả lời với trích dẫn
The Following User Says Thank You to Trung Nguyên For This Useful Post:
Hạ Phượng (19-08-11)
Trả lời


Quyền viết bài
Bạn không thể gửi chủ đề mới
Bạn không thể gửi trả lời
Bạn không thể gửi file đính kèm
Bạn không thể sửa bài viết của mình

BB code đang Mở
Mặt cười đang Mở
[IMG] đang Mở
HTML đang Tắt

Chuyển đến


Múi giờ GMT +7. Hiện tại là 06:14 PM

© 2007 - 3.8.7 - BQT không chịu bất cứ trách nhiệm nào từ bài viết của thành viên.